Tìm kiếm
-
-

Bạn đánh giá webssite của bệnh viện như thế nào?
Cảm nhận của một Bác sỹ
Ngày cập nhật 29/09/2014

  Hướng tới Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 10 tháng 10 năm 2014, chủ đề " Sống cùng với Tâm thần phân liệt", BS. Lê Đình Hùng xin gửi đến Quý Bạn đọc và Quý Đồng nghiệp những cảm nhận tự đáy lòng của một Bác sĩ. 

     Tôi làm bác sỹ đa khoa đã mười mấy năm nay, đã quen mô hình bệnh tật của tuyến đa khoa nhưng khi bước chân vào lĩnh vực chuyên khoa tâm thần vẫn không khỏi những bỡ ngỡ ban đầu, mặc dù hồi đi học cũng đã học lý thuyết và thực tập tại Khoa Tâm thần Bệnh viện Trung ương Huế, đã tiếp xúc với những bệnh nhân tâm thần phân liệt. Nay tôi chuyển vào công tác tại Bênh viện Tâm thần Huế, hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, những người bị bệnh tâm thần, càng gần gũi hơn mình mới càng thấu hiểu họ.

     Khi bạn bè, người quen, đồng nghiệp hỏi thăm, làm ở đâu, tôi trả lời làm ở Bệnh viện Tâm thần Huế, thì tôi đọc được trong suy nghĩ của họ là xem thường vị trí việc làm. Thậm chí khi tôi chuẩn bị chuyển công tác vào Bệnh viện Tâm thần Huế, có đồng nghiệp còn nói rằng vào đó tiếp xúc với những "người điên" làm gì. Nhưng tôi nghĩ rằng, bệnh tâm thần cũng là một bệnh nội khoa của những con người không may mắc phải, cần phải được yêu thương, chăm sóc và đối xử bình đẳng.

     Cho đến ngày nay, thế giới vẫn chưa biết rõ bệnh nguyên của bệnh tâm thần phân liệt. Có bốn nhóm nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh tâm thần, đó là:

          - Những nguyên thực thể gây tổn thương trực tiếp trên não (U não, chấn thương sọ não…) hoặc gây rối loạn chuyển hóa hoạt động não bộ(bệnh lý tim mạch, nội tiết,chuyển hóa…).

          - Những nguyên nhân tâm lý: do các chấn thương tâm lý xuất hiện đột ngột mãnh liệt trong thời gian ngắn hoặc cường độ chấn thương tâm lý nhẹ nhưng thời gian kéo dài.

          - Do cấu tạo về thể chất bất thường của não bộ.

          - Do nguyên nhân nội sinh hoặc tiềm ẩn.

     Khi bị bệnh, người bệnh có nhiều biểu hiện bất thường trong ý nghĩ, cảm xúc, khí sắc, hành vi và tác phong. Người bệnh không  nhận thức được tình trạng rối loạn của mình, không điều khiển, không kiểm soát được các hoạt động, các giác quan của mình, mà một số người hay gọi họ là "người điên".

     Lúc mới tiếp xúc lần đầu với những “người điên”, một số người trong chúng ta  thường có cảm giác sợ hãi, khinh bỉ, chê bai, xa lánh người bệnh. Nhưng giả sử trong gia đình chúng ta có người mắc bệnh tâm thần phân liệt hoặc tiếp xúc gần gũi và thường xuyên với những họ, chúng ta mới thấy được họ là những con người chịu biết bao nhiêu đau khổ, biết bao nhiêu thiệt thòi trong cuộc sống. Đáng ra họ cũng được học tập, được lao động, được vui chơi, được hạnh phúc như mọi người. Nhưng ngược lại, họ không được gì cả. Cái mà họ có được có khi chỉ là sự thờ ơ, ghét bỏ, sự khinh bỉ, xa lánh của mọi người xung quanh.

     Do đó, tôi cảm thấy rằng,  mọi người chúng ta cần phải yêu thương và quan tâm, chăm sóc, gần gũi hơn nữa những người bị bệnh tâm thần. Chúng tôi, những người thầy thuốc làm công tác điều trị bệnh tâm thần, tự hào rằng mình sẽ đem laị cho những người bị rối loạn tâm thần sự ổn định về tâm thần, đưa họ về cuộc sống bình thường, sớm hòa nhập với cộng đồng, đem lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình họ.

     Vì vậy, chúng ta: “Hãy gần gũi , đừng xa lánh người bệnh tâm thần”!

Huế, ngày 22 tháng 9 năm 2014

                                                                 BS. Lê Đình Hùng 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 1.454.098
Truy câp hiện tại 251