Tìm kiếm
-
-

Bạn đánh giá webssite của bệnh viện như thế nào?
Báo cáo đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp trong lĩnh vực pháp y tâm thần"
Ngày cập nhật 18/08/2014

           Thực hiện kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 09/9/2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai và tổ chức thực hiện đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” và Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 07/01/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp. Trung tâm Giám định pháp y Tâm thần tỉnh đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch đề án nâng cao hoạt động tư pháp trong lĩnh vực Pháp y tâm thần.

 

BÁO CÁO ĐỀ ÁN

“ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC PHÁP Y TÂM THẦN”

       Phần 1: Việc xây dựng, ban hành Kế hoạch và triển khai thực hiện đề án theo kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 09/10/2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai và tổ chức thực hiện đề án và Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 07/01/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp.

          Ngành y tế Thừa Thiên Huế đã thực hiện :

          1.1. Sở Y tế Thừa Thiên Huế :

         Đã triển khai “Kế hoạch và triển khai thực hiện đề án theo kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 09/9/2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai và tổ chức thực hiện đề án và Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 07/01/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp” cho các trung tâm pháp y và pháp y tâm thần.

          Đã triển khai thực hiện công văn số 1122/BYT-KCB ngày 13/3/2014 của Bộ Trưởng Bộ Y tế “về việc tăng cưởng củng cố công tác giám định pháp y”, nội dung cụ thể:

          - Rà soát việc thành lập Trung tâm Pháp y theo Luật Giám định tư pháp.

          - Kiện toàn tổ chức, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để đảm bảo hoạt động của trung tâm pháp y theo Luật Giám định tư pháp, Nghị định 85/2013/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan.

          - Sở Y tế đã có đề xuất UBND tỉnh trình Bộ Y tế, Bộ Tư pháp cho thành lập Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Huế trực thuộc Bộ Y tế  đặt tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

          - Tham gia góp ý xây dựng các văn bản để thực hiện Luật Giám định Tư pháp như: Nghị định 85/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp, Thông tư 47/2013-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy trình giám định pháp y, dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y...

          1.2. Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần:

          Quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác giám định, cụ thể:

          - Đã thực hiện cử các giám định viên đi tham quan, học tập quán triệt các nội dung của Luật Giám định tư pháp, các văn bản pháp luật liên quan do Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Viện Pháp y Quốc gia... tổ chức.

          - Tham gia đầy đủ các cuộc họp triển khai thực hiện đề án của UBND Tỉnh, của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan hoạt động giám định tư pháp trong lãnh vực pháp y tâm thần kịp thời và đầy đủ.

          - Tham mưu cho Sở Y tế trong việc góp ý xây dựng và triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp, các văn bản pháp luật liên quan trong hoạt động giám định pháp y tâm thần.

          Phần 2: Các điều kiện và giải pháp thực hiện đề án: việc tăng cường bổ sung đội ngũ giám định viên, việc bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động giám định.

          2.1 Cơ sở vật chất và trang thiết bị:

         Trung tâm GĐPYTT Thừa Thiên Huế được bố trí thành 01 khu riêng biệt có hệ thống làm việc và cổng đi riêng, gồm có 2 tòa nhà với tổng diện tích sân vườn 2.800m­­­­2, diện tích xây dựng 300m2. Khu hành chính gồm phòng Giám đốc, phòng giám định viên, phòng kế toán, phòng hành chính và phòng họp. Các phòng này được trang bị các vật dụng và thiết bị cần thiết cho hoạt động. Khoa Giám định pháp y gồm 3 phòng (05 giường) cho các đối tượng giám định, phòng tiếp đón, phòng Hỗ trợ tư pháp và phòng trực.

         Trang thiết bị của Trung tâm hiện đang sử dụng lồng ghép, phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Huế, là bệnh viện chuyên khoa hạng II, có hệ thống trang thiết bị y tế hoàn chỉnh, hiện đại (điện não, lưu huyết não, siêu âm, X quang, các xét nghiệm huyết học, sinh hóa, vi sinh...) mới được trang bị trong thời gian gần đây (kèm phụ lục trang thiết bị).

          Ngoài ra, Bệnh viện đã áp dụng công nghệ thông tin (mạng LAN) trong quản lý khám chữa bệnh, công tác Dược...

          2.2. Kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần

         Trung tâm và Bệnh viện cũng đã áp dụng nhiều trắc nghiệm tâm lý (test Beck, Zung, Hamilton, Raven, MMPI, MMSE, BPRS…) để hỗ trợ chẩn đoán các bệnh tâm thần phục vụ công tác giám định. Bệnh viện đã áp dụng các phương pháp điều trị hiện đại (hóa dược trị liệu, liệu pháp tâm lý, âm nhạc trị liệu, hoạt động trị liệu, vật lý trị liệu…) để điều trị hiệu quả các bệnh tâm thần.

          Bệnh viện đã nhiều năm đạt danh hiệu Bệnh viện xuất sắc, xuất sắc toàn diện cùng nhiều Bằng khen của Bộ Y tế và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

          2.3. Nguồn lực, giám định viên:

          Kinh phí hoạt động: ngân sách nhà nước cấp kinh phí phụ cấp cho các giám định viên. Mọi hoạt động chi thường xuyên khác đều được sử dụng từ nguồn thu phí giám định theo Thông tư 182/2011/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y tâm thần.

          Hiện tại, Trung tâm có 07 giám định viên, trong đó:

          - Các GĐV này đang công tác tại Bệnh viện Tâm thần Huế 04, Bộ môn Tâm thần - Trường Đại học Y Dược Huế 01 và Khoa Tâm thần - Bệnh viện TW Huế 02.

          - Trình độ chuyên môn gồm: 01 PGS-TS, 01 BSCKII, 01 ThS và 04 BSCKI chuyên ngành tâm thần. Các giám định viên có đầy đủ năng lực và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt công tác giám định khi được trưng cầu.

          Phần 3: Những kết quả triển khai, thực hiện đề án; những chuyển biến trong hoạt động giám định tư pháp kể từ khi ban hành đề án, mức độ đáp ứng nhu cầu trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng.

          Hoạt động giám định từng bước được pháp luật hóa, hoạt động chuyên môn tuân thủ theo các quy định pháp luật và hạn chế các sai sót.

         Xuất phát từ việc triển khai đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoạt động có hiệu quả, đã giúp cho các cơ quan tố tụng giải quyết các vụ án hình sự và dân sự chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

         Trong thời gian qua, Trung tâm GĐPYTT tỉnh đã tiến hành giám định theo quyết định trưng cầu của các Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án đúng trình tự, chặt chẽ và đúng luật quy định. Đã giám định 173 đối tượng hình sự và dân sự, trong đó có 122 trường hợp của tỉnh Thừa Thiên Huế, 48 trường hợp của tỉnh Quảng Trị, 01 của tỉnh Quảng Bình, 01 của tỉnh Quảng Nam và 01 của thành phố Đà Nẵng. Giám định sức khỏe tâm thần 2.878 trường hợp.

          Các kết luận giám định chính xác, đúng luật, góp phần làm căn cứ cho việc định tội, lượng hình các tội danh quy định trong phần các tội phạm của Bộ Luật Hình sự và xác định năng lực hành vi của các vụ việc dân sự.

          Phần 4: Những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án:

          Tại các tỉnh và khu vực, Tổ chức Giám định Pháp y tâm thần chưa được củng cố, tạo thành một hệ thống Pháp y tâm thần hoàn thiện trong phạm vi cả nước vì nhiều lý do khác nhau...Đó là một trong những khó khăn cho việc điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành Pháp y tâm thần.

         Luật Giám định tư Pháp được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013; trong đó, Điều 12 quy định, Tổ chức Giám định tư Pháp công lập về Pháp y tâm thần bao gồm Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế. Căn cứ yêu cầu giám định Pháp y tâm thần của hoạt động tố tụng và điều kiện thực tế của các khu vực, vùng miền trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định thành lập Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư Pháp.

          Phần 5: Các kiến nghị, đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện đề án có hiệu quả.

          - Thời gian kéo dài hoạt động của Trung tâm giám định pháp y tâm thần đã gần hết (31/12/2014), nhưng hiện nay Bộ Y tế và Bộ Tư pháp chưa có ý kiến về thành lập Trung tâm pháp y tâm thần khu vực.

          - Đề nghị Viện GĐPY Tâm thần Trung ương đề xuất Bộ Y tế, Bộ Tư pháp cho thành lập Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Huế trực thuộc Bộ Y tế  đặt tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

         - Trong giai đoạn đầu mới thành lập, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Huế có thể hoạt động phối hợp, lồng ghép với Bệnh viện Tâm thần Huế, kể cả nhân lực và trang thiết bị; với Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Đại học Y Dược Huế về công tác đào tạo và chuyên môn nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật để giải quyết những vấn đề có liên quan trong công tác giám định pháp y tâm thần khi cần thiết. Vì vậy, nếu được thành lập, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Huế có thể hoạt động được ngay trong thời gian chờ đợi được Bộ Y tế tuyển dụng cán bộ, cấp kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị.

          Trên đây là Báo cáo việc triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong lãnh vực Pháp y Tâm thần” tại Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

 

 

 

ThS. Tôn Thất Hưng

Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y Tâm thần tỉnh Thừa Thiên Huế

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 1.374.372
Truy câp hiện tại 47