Tìm kiếm
-
-

Bạn đánh giá webssite của bệnh viện như thế nào?
Đặc điểm lâm sàng rối loạn trầm cảm ở người cao tuổi
Ngày cập nhật 20/04/2015

 

ĐĂC ĐIỂM LÂM SÀNG RỐI LOẠN TRẦM CẢM Ở NGƯỜI CAO TUỔI

 

                                                                                                                                                                               BSCKII. Nguyễn Văn Dũng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đến năm 2030, người có độ tuổi trên 60 chiếm 30% dân số thế giới. Trong Tâm thần học người già, rối loạn thường gặp nhất là các “trạng thái trầm cảm". Trầm cảm chiếm tỷ lệ từ 3 -5%  dân số và tỷ lệ này khá cao ở người già (9%)

     TÓM TẮT: Cho đến nay ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu hệ thống nào về rối loạn trầm cảm ở người cao tuổi. 
     Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng và nhận xét các yếu tố liên quan trong rối loạn trầm cảm ở người cao tuổi.
     Phương pháp: Mô tả, tiến cứu, có sử dụng các trắc nghiệm tâm lý hỗ trợ chẩn đoán. 
     Kết quả: Trong 56 bệnh nhân trầm cảm ở người cao tuổi các triệu chứng về tiêu hóa  mất ngon miệng (80,4%) sút cân (92,8%). Rối loạn thần kinh thực vật (100%), vã mồ hôi (94,6%), rối loạn giấc ngủ (100%), bốc hỏa (89,3%). Các triệu chứng tim mạch được thấy ở 67-70% các BN trên 70 tuổi. Đặc biệt triệu chứng đau thấy ở 82,1% các BN. Các rối loạn lo âu có ở 66,3% BN. Các rối loạn hành vi bồn chồn thấy ở 98,2% BN. Suy giảm nhận thức cũng được coi là đặc trưng của rối loạn trầm cảm ở người cao tuổi, giảm tập trung chú ý có ở 87,5% BN. Bệnh cơ thể kết hợp có ở 66,1% các BN, thường gặp nhất là các bệnh lý về khớp (17,9%), các bệnh về tiêu hóa (16,1% ). Stress có vai trò trong 75,0% các BN. 
     Kết Luận: Rối loạn trầm cảm ở người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao. Các triệu chứng trầm cảm thường kết hợp hoặc bị che lấp bởi các triệu chứng cơ thể và  triệu chứng về nhận thức cần được nhận biết để chẩn đoán và điều trị thỏa đáng
     Đặt vấn đề
     Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đến năm 2030, người có độ tuổi trên 60 chiếm 30% dân số thế giới. Trong Tâm thần học người già, rối loạn thường gặp nhất là các “trạng thái trầm cảm". Trầm cảm chiếm tỷ lệ từ 3 -5%  dân số và tỷ lệ này khá cao ở người già (9%). Theo Brion và cs tỷ lệ này xấp xỉ 20% ở người trên 65 tuổi. Barret và cs (1998) tỷ lệ trầm cảm ở người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu là 15,6%. 
     Thực tế, việc chẩn đoán trầm cảm ở người cao tuổi thường là khó và hay bị bỏ qua, dẫn đến hơn 90% người cao tuổi có các biểu hiện trầm cảm mà không được chẩn đoán và điều trị thoả đáng. Việc chẩn đoán trầm cảm ở người cao tuổi gặp rất nhiều khó khăn, do triệu chứng trầm cảm không điển hình mà nổi bật lên hàng đầu là các triệu chứng cơ thể rất phong phú, đa dạng và ở nhiều cơ quan hệ thống khác nhau. Trầm cảm lại được coi là một biểu hiện bệnh lý nội khoa nào đó mà bệnh nhân không đến với thầy thuốc tâm thần. Ngoài ra ở người cao tuổi trầm cảm còn có nhiều biểu hiện suy giảm nhận thức, nên rất khó phân biệt với mất trí. Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm lâm sàng các rối loạn trầm cảm ở người cao tuổi mục tiêu nghiên cứu của chúng tôi:
1. Mô tả đặc điểm lâm sàng của rối loạn trầm cảm khởi phát ở người cao tuổi.
2. Đánh giá các yếu tố liên quan đến trầm cảm ở nhóm tuổi này
II.Phương pháp nghiên cứu
Đối tượng: Chúng tôi thu nhận các bệnh nhân (BN) từ 60 tuổi trở lên đáp ứng đủ tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm theo ICD 10 điều trị nội trú tại Viện Sức khoẻ Tâm thần Bệnh viện Bạch mai, mã bệnh F06.32, F31.3,F31.4, F32, F33, đồng thời tham khảo tiêu chuẩn chẩn đoán trong DSM – IV, thời gian từ tháng 5/2009 đến tháng 10/2010. 
Phương pháp nghiên cứu mô tả, tiến cứu. Chúng tôi có sử dụng các trắc nghiệm tâm lý để đánh giá mức độ lo âu và trầm cảm người già. Sử dụng thống kê toán học, có sự trợ giúp của phần mềm SPSS 10.5.
III. Kết quả nghiên cứu
     Chúng tôi thu nhận được 56 BN trầm cảm khởi phát trên 60 tuổi được điều trị trong đó nữ 37 bệnh nhân (66.1%), nam 19 bệnh nhân (33.9%). Trầm cảm được phát hiện nhiều ở nhóm tuổi 60-75 ( 32.1%). Giai đoạn trầm cảm thấy ở 71.4% các bệnh nhân. Trầm cảm tái diễn có ở 23.2% và trầm cảm trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực chỉ có ở 5.4%. Các biểu hiện loạn thần có ở 28.6% các bệnh nhân nghiên cứu. 83,9% số BN đến cơ sở sức khỏe tâm thần muộn sau 1 năm kể từ khi bệnh khởi phát. Các đặc điểm này đều phù hợp với y văn nghiên cứu của nhiều tác giả 

 

Bảng 1. Đặc điểm của rối loạn trầm cảm  ở giai đoạn sớm

 

 

Bảng 2. Đặc điểm triệu chứng tâm thần của rối loạn trầm cảm ở nhóm bệnh nhân

nghiên cứu giai đoạn toàn phát

 

 

Bảng 3. Triệu chứng cơ thể của trầm cảm

 

 

 

Bảng 4. Các rối loạn hành vi ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu.

 

 

Bảng 5. Các biểu hiện suy giảm nhận thức ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu.

 

 

Bảng 6. Các rối loạn lo âu kèm theo ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu

 

 

Bảng 7. Đặc điểm các yếu tố stress liên quan đến trầm cảm

IV. BÀN LUẬN

1. Đặc điểm rối loạn trầm cảm ở giai đoạn sớm
- Ở giai đoạn đầu (bảng 1) rối loạn trầm cảm, hội chứng suy nhược là biểu hiện sớm và nổi trội hơn cả với 92,8% số bệnh nhân nghiên cứu, 82,1% bệnh nhân có triệu chứng mất ngủ và giảm tập trung chú ý, 55,3% bệnh nhân có biểu hiện dễ kích thích. Nhiều tác giả cho rằng triệu chứng suy nhược có thể là biểu hiện ban đầu của rất nhiều bệnh lý, cả cơ thể và tâm thần, đặc biệt ở những người cao tuổi. Các biểu hiện suy nhược cơ thể có thể là hậu quả trực tiếp của các stress. 
- Các triệu chứng cơ thể nhiều loại, khá phổ biến đặc biệt là các triệu chứng về tiêu hóa (chán ăn 66,1%, táo bón 64,2%); sút cân 69,6%; đau cơ khớp 64,2%). Nhưng những biểu hiện này gặp nhiều hơn ở nhóm bệnh nhân dưới 70 tuổi. Đó là những triệu chứng nhẹ nhàng, kín đáo, mơ hồ, bệnh nhân khó mô tả được một cách rõ ràng, không có hệ thống. Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với nhận định của tác giả Shahpesandy H rằng trầm cảm ở tuổi già thường biểu hiện bằng những triệu chứng “ẩn” kín đáo, không điển hình.
2. Các triệu chứng tâm thần của rối loạn trầm cảm ở bệnh nhân nghiên cứu.
     (Bảng 2) Trong các triệu chứng cốt lõi của trầm cảm, buồn chán gặp ở 94,6% các bệnh nhân. Bệnh nhân mô tả một cảm giác chán nản, buồn rầu. Cảm giác cuộc sống tẻ nhạt. Đuối sức mệt mỏi gặp ở 91,1% các bệnh nhân. Bệnh nhân thường thấy đuối sức trước các đòi hỏi của cuộc sống, sự mệt mỏi biểu hiện cả lúc lao động trí óc hay lao động chân tay. Nhiều bệnh nhân mệt mỏi ngay cả trong sinh hoạt gia đình và chăm sóc bản thân. Mất quan tâm với các ham thích cũ có ở 83,9% bệnh nhân, các mối quan tâm thu hẹp dần, bệnh nhân trở lên bàng quan với các sự kiện diễn ra xung quanh mình, không quan tâm đến gia đình, thờ ơ với việc chăm sóc con cháu. Người bệnh như đắm chìm trong tâm trạng u uất, khí sắc giảm, hoạt động rất chậm chạp, nói nhỏ hoặc từ chối tiếp xúc. Nhìn tương lai ảm đạm có ở 82,1% bệnh nhân nghiên cứu (100% các bệnh nhân nhóm dưới tuổi 70). Ý tưởng tự ti, tự buộc tội có ở 69,6% các bệnh nhân (100% các bệnh nhân trên 70 tuổi). Với các bệnh nhân này tâm trạng buồn rầu đã lan tỏa vào tri giác của bệnh nhân với các sự kiện xung quanh, đặc biệt bệnh nhân thường xem xét lại các sự kiện trong quá khứ, thấy mình có nhiều thiếu sót với vợ, con, gia đình, đồng nghiệp, các sai lầm nhỏ trong qúa khứ cũng trở thành nỗi dằn vặt ân hận của bệnh nhân. Bệnh nhân thấy mình trở nên hèn kém yếu đuối, không xứng đáng với niềm tin yêu của người thân, không xứng đáng. 
3. Các triệu chứng cơ thể của trầm cảm ở nhóm BN nghiên cứu.
     Bảng 3 cho thấy các triệu chứng cơ thể trong bệnh cảnh lâm sàng ở người bệnh trên 60 tuổi là rất phổ biến và đa dạng. Đặc biệt là các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật. Những cơn vã mồ hôi chiếm tỷ lệ 94,6%; có tới 100% số bệnh nhân có biểu hiện chóng mặt, rối loạn giấc ngủ và 100% bệnh nhân nghiên cứ có biểu hiện nóng bừng mặt ... Như vậy, các triệu chứng thuộc hệ thần kinh thực vật không những xuất hiện sớm mà khi bệnh toàn phát các triệu chứng này cũng biểu hiện rõ và phong phú hơn rất nhiều. Kết quả của chúng tôi phù hợp với kết quả nghiên cứu của rất nhiều tác giả khác trong nước và trên thế giới. 
- Triệu chứng tim mạch: Có 38 bệnh nhân có biểu hiện hồi hộp đánh trống ngực, chiếm tỷ lệ 67,8%. 38 bệnh nhân có biểu hiện đau tức vùng ngực, chiếm tỷ lệ 67,8% và 39 bệnh nhân có biểu hiện mạch nhanh, chiếm tỷ lệ 69,6% Các triệu chứng chức năng hệ tim mạch dường như tăng dần theo nhóm tuổi, đặc biệt là sau 70 tuổi. Kết quả của chúng tôi phù hợp với kết quả nghiên cứu của Martin G, Fancois Bellavance [5]. Các triệu chứng thuộc hệ tim mạch biểu hiện nhiều hơn ở những người cao tuổi bị trầm cảm. 
- Các biểu hiện của hệ thống tiêu hóa 
Với 45 bệnh nhân biểu hiện ăn không ngon miệng chiếm tỷ lệ 80,4%; có 34 bệnh nhân có biểu hiện đầy bụng - cảm giác khó chịu ở bụng, chiếm tỷ lệ 60,7% và 31 bệnh nhân có biểu hiện táo bón ngay khi chưa điều trị, chiếm tỷ lệ 55,4%. Đặc biệt có đến 52 bệnh nhân có các biểu hiện sút cân chiếm tỷ lệ 92,8%. Như vậy, ăn không ngon miệng, sút cân là những triệu chứng làm tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng trầm cảm theo ICD –10. Các khó chịu trên thường có xu hướng tăng nặng hơn vào buổi sáng, đồng thời các triệu chứng này cũng tăng nặng hơn khi có những vấn đề về tâm lý và liên quan chặt chẽ với các biểu hiện về cảm xúc. Kết quả của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của các tác giả như Martin G, Fancois Bellavance.
- Triệu chứng đau: bảng 3. cho thấy 46 bệnh nhân có biểu hiện đau, chiếm tỷ lệ 82,1%. Vị trí đau thường hay thay đổi lúc ở đầu, ở vai gáy, đau mỏi các khớp xương, đau cột sống đôi khi gặp đau ngực, tức vùng thượng vị. Người bệnh thường có cảm giác đau lan tỏa (76,0%) nhiều hơn là đau khu trú (23,9%); đau xuất hiện từng lúc song tái diễn (78,2%) nhiều hơn là đau liên tục (21,7%), còn về cường độ đau thì người bệnh thường có cảm giác đau mơ hồ khó mô tả (67,3%) hơn là cảm giác đau rõ ràng (32,6%). Các biểu hiện đau này thường liên quan chặt chẽ với biến đổi tâm lý của bệnh nhân (60,8%).
     Các rối loạn hành vi (bảng 4) gặp ở 82,1% các bệnh nhân, đây cũng chính là lý do mà bệnh nhân được đưa đến bệnh viện tâm thần. Biểu hiện chậm chạp tâm thần vận động được thấy ở 69,6% số bệnh nhân. Theo Henry Brodaty, trạng thái ức chế tâm thần vận động cũng khá hay gặp. Giống như mô tả trong y văn, trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi hay gặp các biểu hiện suy nghĩ chậm chạp, trả lời nhát gừng, đơn điệu hoặc không nói hoàn toàn, ít vận động, bệnh nhân như đắm chìm trong lặng lẽ sững sờ. Ngược lại, các biểu hiện kích động hằn học, tấn công người xung quanh, đập phá đồ đạc… thấy ở 15 bệnh nhân nghiên cứu (26,8%), đặc biệt là biểu hiện đứng ngồi không yên, bồn chồn được thấy ở hầu hết các ở bệnh nhân nghiên cứu (98,2%). Với nghiên cứu của O. Bouver và cộng sự 37% bệnh nhân trầm cảm có biểu hiện kích động ngôn ngữ. 

     Hành vi tự sát thấy ở 23,2% bệnh nhân trong khi ý tưởng tự sát có ở 28,6% số bệnh nhân nghiên cứu. Điều này có nghĩa là ở nhóm bệnh nhân cao tuổi trầm cảm, số người có ý tưởng tự sát là khá cao song tỷ lệ người thực hiện được các hành vi tự sát thực sự cao và cần được nhận biết. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi giống như nghiên cứu của Martin G và cộng sự.

- Bảng 5 cho thấy, ở giai đoạn toàn phát các biểu hiện suy giảm nhận thức được nhận thấy khá rõ nét. Giảm tập trung chú ý chiếm tỷ lệ 87,5%, bệnh nhân thường có biểu hiện bằng hiện tượng lơ đãng khi nói chuyện, rất khó khăn khi làm nghiệm pháp 100 - 7 liên tục…Suy giảm trí nhớ gần thấy ở 76,8% bệnh nhân, biểu hiện bằng hiện tượng bệnh nhân khó nhớ các sự việc mới xảy ra, khó học các thông tin mới. Suy giảm trí nhớ gặp nhiều ở nhóm trên 70 tuổi. Theo các tác giả, ở bệnh nhân trầm cảm người già cả hai quá trình ghi nhớ và tốc độ xử lý thông tin đều bị suy giảm. Verhey và cộng sự thấy 70% bệnh nhân trầm cảm người già có suy giảm trí nhớ song không có suy giảm chức năng vỏ não cao cấp khác như vong ngôn, vong tri, vong hành. Đây chính là triệu chứng quan trọng để phân biệt mất trí giả do trầm cảm và sa sút trí tuệ Alzheimer.

     Các rối loạn lo âu thấy ở 53,6% bệnh nhân (Bảng 6). Các biểu hiện lo âu thường tăng lên về chiều tối khi không có người thân nào ở bên thấy ở 10,7% các bệnh nhân nghiên cứu. Theo ICD-10 lo âu là triệu chứng thường được thấy trong bệnh cảnh lâm sàng của trầm cảm. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với nhiều nhận xét của các tác giả. Ở tất cả các mức độ trầm cảm, lo âu luôn là một triệu chứng đồng hành. Những biểu hiện lo âu nặng, ám ảnh nghi thức xuất hiện đột ngột ở người già không có bệnh lý rối loạn lo âu hay ám ảnh trước đó cần được xem xét thận trọng và cân nhắc chẩn đoán là rối loạn trầm cảm. Tác giả Robert Baldwin, cho rằng nghi bệnh và lo âu gặp nhiều ở bệnh nhân trầm cảm khởi phát muộn hơn là gặp ở trầm cảm khởi phát sớm dưới 70 tuổi.

     (Bảng 6). Các bệnh cơ thể có ở 66,1% các bệnh nhân nghiên cứu. Theo George .S, Alexopoulos tuổi cao và các bệnh lý cơ thể dường như đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát sinh trầm cảm ở người già. Nghiên cứu của Lawhorne L hơn 80% người già trên 70 tuổi có ít nhất một bệnh lý cơ thể. Trong khi đó Whyte E.M and Rovner B thì cho rằng gần 50% các bệnh trầm cảm trong mẫu nghiên cứu có liên quan đến một bệnh lý cơ thể, hoặc do dùng thuốc. Các bệnh về khớp được gặp nhiều nhất với tỷ lệ 17,9% và chủ yếu gặp ở nhóm bệnh nhân trên 70 tuổi. Các bệnh về hệ thống tiêu hoá cũng khá phổ biến (16,1%). Các bệnh lý cơ thể khác được thấy với tỷ lệ thấp hơn, các bệnh lý tim mạch 5,4%, bệnh thần kinh (7,1%), bệnh hô hấp (7,1%). Tỷ lệ các bệnh lý này cao hơn ở nhóm tuổi trên 70.

     (Bảng 7). Thực sự khó xác định các yếu tố sang chấn tâm lý có phải là nguyên nhân gây nên trầm cảm ở các bệnh nhân nghiên cứu hay không hay chỉ là yếu tố thúc đẩy, tăng nặng, vì còn sự phối hợp của nhiều yếu tố sinh học, nội sinh khác. Tuy nhiên tính chất xuất hiện bệnh liên quan trực tiếp với các yếu tố stress, sự tiến triển các triệu chứng liên quan rõ rệt với sự tác động của các yếu tố tâm lý, xã hội cụ thể. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận xét của tác giả Brice Pitte, Kaplan Sadock. Ở nhóm tuổi dưới 70 các sang chấn chủ yếu có nguồn gốc từ kinh tế xã hội. Ngược lại, với nhóm tuổi trên 70 các sang chấn tâm lý chủ yếu có nguồn gốc từ ngay chính quan hệ trong gia đình.

KẾT LUẬN

     Rối loạn trầm cảm gặp nhiều ở nữ hơn nam có độ tuổi 45-59 (76,7%). 83,9% số BN đến cơ sở sức khỏe tâm thần muộn sau 1 năm kể từ khi bệnh khởi phát. Giai đoạn trầm cảm (F 32) là chẩn đoán hay gặp nhất (71,4%).

1. Đặc điểm lâm sàng. Các triệu chứng cơ thể của trầm cảm xuất hiện từ giai đoạn sớm và chiếm ưu thế trong bệnh cảnh. Các triệu chứng về tiêu hóa: mất ngon miệng (80,4%) sút cân (92,8%). Rối loạn thần kinh thực vật: chóng mặt (100%), vã mồ hôi (94,6%), rối loạn giấc ngủ (100%), bốc hỏa (89,3%). Các triệu chứng tim mạch được thấy ở 67-70% các BN trên 70 tuổi. Đặc biệt triệu chứng đau thấy ở 82,1% các BN với các đặc tính đau lan tỏa, mơ hồ phụ thuộc vào trạng thái tâm lý người bệnh.

- Các triệu chứng về tâm thần của trầm cảm cũng khá đầy đủ, nhất là giai đoạn muộn, song ở nhiều BN có thể bị các triệu chứng cơ thể che mờ. Các triệu chứng buồn chán, đuối sức mệt mỏi, mất thích thú gặp nhiều hơn ở nhóm tuổi dưới 70. Trong khi đó gần như toàn bộ các BN ở nhóm tuổi trên 70 lại có các biểu hiện: ý tưởng tự ty, bị buộc tội, nhìn tương lai ảm đạm, ý tưởng tự sát.

- Các rối loạn lo âu, hoảng sợ có ở 66,3% BN. Các rối loạn hành vi: bồn chồn thấy ở 98,2% BN, kích động thấy ở 26,8% BN, hành vi tự sát thấy ở 23,2% các BN. Suy giảm nhận thức cũng được coi là đặc trưng của rối loạn trầm cảm ở người cao tuổi, giảm tập trung chú ý có ở 87,5% BN, suy giảm trí nhớ gần có ở 76,8% BN.

2. Các bệnh lý cơ thể và các yếu tố stress có vai trò quan trọng trong phát sinh và phát triển RLTC ở các BN nghiên cứu. Bệnh cơ thể kết hợp có ở 66,1% các BN, thường gặp nhất là các bệnh lý về khớp (17,9%), các bệnh về tiêu hóa (16,1%), các bệnh hô hấp (7,2%), bệnh thần kinh (7,2%). Stress có vai trò ở 75,0% các BN (stress trong gia đình có ở 48,2% các BN nhất là ở nhóm tuổi trên 70).

 

Tài liệu tham khảo

1. Cart Gerhard Gottfries (1999).“Depression in the Elderly is underdiagnosed; Etiology is multifactorial”. Depressive Disorder. John Wiley & sons, LTD. P 366.

2. Henry Brodaty (1996),"Melancholia and the Ageing Brain", Melancholia A disorder of movement and Mood. Cambridge  University Press. 237-251.

3. Martin G. Cole, M.D., Francois Bellavance, Ph.D. and Asmaa Mansour, M.. (1999), "Prognosis of Depression in Elderly Community and Primary Care". Am J Psychiatry, 156:1182-1189.

4. Menchetti M, Cevenini N, De Ronchi D, Quartesan R, Berardi D (2006). “Depression and frequent attendance in elderly primary care patients”. Gen Hosp Psychiatry. Mar-Apr;28(2):119-24.

5. Piter Hill, Robin Murray, Anthony Thorley (1993). "Affective disorder", Essencial of posgraduate psychiatry, Grune & Stratton, Inc. page, 511-515, 676-719.

6. Robert C. Baldwin (1993). "Affective disorder", The psychiatry of old age, Oxford University Press. 513-515.

7. Robin Jacoby, Catherine Oppenheimer (1993). "Depressive illess", Affective disorder, Oxford    university press.  676-719.A

8. Whyte EM, Rovner B (2006). “Depression in late-life: shifting the paradigm from treatment to prevention”. Int J Geriatr Psychiatry. Aug;21(8):746-51. 

                                                                                                                                                      Nguồn: http://drdung.com/bai-viet

                                                                                                                                                

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 
 
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 1.376.152
Truy câp hiện tại 185