Tìm kiếm
-
-

Bạn đánh giá webssite của bệnh viện như thế nào?
Giúp đỡ trẻ bị rối loạn ngôn ngữ
Ngày cập nhật 11/05/2015

     Trẻ em phát triển ngôn ngữ rất nhanh trong những năm đầu đời. Thông thường trẻ 2- 3 tháng phát âm họng líu lo, trẻ  7 - 9 tháng đã bập bẹ ba ba, ma ma, đến 12-15 tháng đã nói được vài từ đơn. Tới 2 tuổi bé có thể nói câu ngắn có 2 – 3 từ và đến 3 tuổi nói được câu dài. Những em bé có ngôn ngữ tốt cũng thường có trí tuệ phát triển.

     Có 2 loại rối loạn ngôn ngữ là rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ ( chậm hiểu lời) và rối loạn về phát âm. Có những loại rối loạn phát âm thường gặp ở trẻ nhỏ như: chậm nói, nói ngọng, nói lắp, nói sai ngữ pháp, cách nói bất thường…

1. Chậm nói: những bé chậm nói được phát hiện khi không đạt mức phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ em cùng lứa tuổi. Nguyên nhân chậm nói rất khác nhau như: do di truyền gia đình có người chậm nói, thiếu kích thích từ môi trường vì gia đình ít nói chuyện với bé và ít dạy bé nói, để cho xem tivi quá nhiều, do bé có tổn thương não, bị khiếm thính hoặc khuyết tật ở bộ máy phát âm…Một số bé chỉ nói với người thân và không chịu nói với người lạ do nhút nhát sợ hãi và kém thích ứng.

Khi thấy bé chậm nói gia đình nên phát hiện sớm và cho đi khám sức khỏe để tìm hiểu nguyên nhân là tâm lý hay thực tổn để có hướng chữa trị phù hợp.

Nếu chỉ là chậm nói đơn thuần không do nguyên nhân thực tổn thì cha mẹ phải thường xuyên dạy bé mọi lúc mọi nơi trong tình huống cụ thể có thể nhận biết, dễ hiểu và nói theo. Khi nói cha mẹ nên có kèm theo những biểu cảm về nét mặt, có những cử chỉ điệu bộ giao tiếp thì hiệu quả tốt hơn. Sử dụng tranh ảnh, đồ chơi đa dạng về màu sắc và chức năng để chơi cùng bé  hỗ trợ nhiều trong quá trình dạy phát triển ngôn ngữ.

Những trò chơi dân gian như chi chi chành chành, ú òa, kéo cưa lừa xẻ, nu na nu nống… vừa chơi vừa nói cùng nhau sẽ tạo sự vui nhộn rất có ích lợi.

Khi dạy nên nói chậm, nói rõ, nhìn vào mặt bé để tạo sự tập trung chú ý. Nên bắt đầu bằng dạy danh từ như hỏi bé: ai? cái gì?  sau đó mới dạy động từ, tính từ qua những câu hỏi để làm gì? thế nào? Quá trình dạy nên tăng dần mở rộng vốn từ và dạy nói câu đơn giản sau đó mới đến câu dài. Hát hoặc đọc thơ cho bé nghe sau đó dạy bé hát và đọc theo cũng là một cách giúp cho nhanh biết nói. Để phát triển khả năng diễn đạt cha mẹ nên hỏi bé sau khi có một việc gì vừa xảy ra như hỏi chuyện và cho bé kể lại những gì cô đã dạy hôm nay, các bạn đã chơi những gì… 

Khi bé không chịu nói cũng nên thúc giục nhiều mà nên tìm hiểu và chờ đợi để cho bé có thời gian hiểu, bé thích bé sẽ nói. Do vậy khuyến khích nói khi bé đang có nhu cầu là một cách dễ thực hiện.

Để tránh cho bé bị chậm nói phải cho bé sống trong môi trường thuận lợi, cha mẹ phải luôn gần gũi tình cảm tạo cho bé cảm thấy an toàn và thoải mái. Luôn giữ không khí trong gia đình vui vẻ, quan tâm chia sẻ lẫn nhau. Không cho bé xem tivi nhiều. Nên để trẻ nói tự nhiên mà không ngắt lời trẻ vì nếu vậy sẽ làm cho trẻ không muốn nói nữa. Khi bé nói xong ta gợi ý tiếp: à còn gì nữa nhỉ, thế còn con nghĩ thế nào… Khuyến khích bé nói có kèm cử chỉ điệu bộ. Cho bé được vui chơi, giao tiếp với mọi người trong gia đình và với trẻ em xung quanh.

Không nên giao phó việc dạy bé hoàn toàn cho người giúp việc hoặc cho ông bà già vì ông bà sức khỏe hạn chế không thể lúc nào cũng chơi cũng dạy bé nói được.

2. Nói ngọng: một số bé nói ngọng do sống trong môi trường có tật nói ngọng hoặc do gia đình không sửa mỗi khi bé nói sai, một số khác do bệnh lý não hoặc do bất thường ở bộ máy phát âm.

Bé thường nói ngọng n và l, nói sai dấu, không nói được một số phụ âm hoặc nói phụ âm này thành phụ âm kia. Nhiều khi bé nói ngọng đến mức mà phải có bố mẹ “ dịch nghĩa” thì mọi người xung quanh mới hiểu bé nói gì.

Nếu không do nguyên nhân thực tổn mà bé nói ngọng thì cha mẹ nên sửa ngay, không cười thích thú khi nghe bé nói ngọng vì bé tưởng như vậy là hay và sẽ không sửa nữa. Tập cho bé nói chậm nói rõ, nhìn vào mặt cha mẹ khi nói để bắt chước phát âm đúng.

Để tránh cho bé nói ngọng gia đình nên nói với bé bằng giọng chuẩn rõ ràng, không nậng nịu bé bằng giọng nói ngọng.

3. Nói lắp: những bé hấp tấp hiếu động thường mắc phải tật nói lắp. Bé có thể nói lắp một từ hoặc nói lắp câu ngắn. Nhiều bé khi nói lắp lại có kèm nói khó phải nói gắng sức hoặc nói nghẹn giọng do có sự co thắt ở hầu họng.

Để sửa tật nói lắp cho bé, cha mẹ nhắc bé nói không vội vàng, nên nói câu ngắn và nói ngắt câu rõ ràng. Có thể tập cho bé hít thở sâu một chút rồi hãy nói. Cho bé hát, tập đọc thơ, kể chuyện cũng giúp cho bé sửa tật chứng này. Muốn tránh cho bé nói lắp nên tạo ra sự thoải mái bình tĩnh, tránh thúc giục gây sức ép tâm lý với trẻ.

Những trẻ chậm nói, nói ngọng, nói lắp nếu không khuyến khích giao tiếp sẽ dễ trở nên thu mình, thụ động, kém tự tin, kém hòa nhập. Do vậy bên cạnh dạy bé nói, sửa những gì bé phát âm chưa đúng chúng ta cần cho bé hòa nhập với môi trường sống, vui chơi với bạn bè và có nhiều cơ hội giao tiếp – đó chính là những dịp tốt để bé học hỏi và phát triển ngôn ngữ.Thường là một bé đi học mẫu giáo có khả năng ngôn ngữ tốt hơn những em bé không đi học.

Một số các biểu hiện rối loạn ngôn ngữ khác như nói một mình, phát âm vô nghĩa, nói nhại lời, nói lộn xộn… thường do khuyết tật về phát triển hoặc rối loạn tâm bệnh lý cần được phát hiện sớm và cho bé đi chữa trị kịp thời. Tuy nhiên trong những trường hợp này cha mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác với các nhà chuyên môn và tích cực dạy con theo hướng dẫn.

ThS. Quách Thúy Minh

Nguồn: http://thankinhtreem.net

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 1.422.763
Truy câp hiện tại 17