Tìm kiếm
-
-

Bạn đánh giá webssite của bệnh viện như thế nào?
PHỔ BIẾN KIẾN THỨC VỀ RỐI LOẠN LO ÂU LAN TỎA
Ngày cập nhật 15/07/2014

(Trích Bài Phỏng vấn ThS.BS. Tôn Thất Hưng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Huế của TTTTGDSK tỉnh, đã phát trên sóng truyền hình TRT1)

      Trong cuộc sống, ai cũng có những lúc phải cảm thấy lo lắng hồi hộp trước một sự việc quan trọng. Ðó là những lo lắng mang tính chất bình thường và là một sự đáp ứng tự nhiên của cơ thể. Nhưng khi sự việc đó không còn, mà sự lo lắng vẫn tồn tại và làm ảnh hưởng đến mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày, những hoạt động về công việc, học tập, giao tiếp thì bạn đã chuyển sang một trạng thái lo âu bệnh lý

 

 

1. Xin BS. cho biết thế nào là rối loạn tâm thần? Và tình hình rối loạn tâm thần nói chung, rối loạn lo âu nói riêng ở Thừa Thiên Huế?

     Rối loạn tâm thần hay bệnh tâm thần là bệnh lý do hoạt động não bị rối loạn, làm thay đổi khác thường về ý nghĩ, lời nói, tình cảm, hành vi, từ đó làm giảm năng suất lao động của người bệnh. Cần lưu ý rằng, rối loạn tâm thần hoàn toàn không do ma quỷ, thần thánh gây ra.

      Ở tỉnh ta, có 11,84% dân số mắc 10 bệnh tâm thần thường gặp; trong đó, rối loạn lo âu chiếm 3,25%, tỷ lệ nữ gấp đôi nam.

2. Rối loạn lo âu là một trong những rối loạn tâm thần, xin BS. cho biết nguyên nhân, dấu hiệu của bệnh?

     Có nhiều loại rối loạn lo âu. Ở đây, chỉ đề cập đến loại tương đối phổ biến là rối loạn lo âu lan tỏa. Cần phân biệt giữa lo âu bình thường và lo âu bệnh lý, hay còn gọi là rối loạn lo âu lan tỏa.

2.1. Lo âu bình thường

        1- Là phản ứng cảm xúc tất yếu của mỗi con người trước những khó khăn, thay đổi, những điều chưa trải nghiệm để thích ứng với cuộc sống (ví dụ, người già sợ ốm, người ốm sợ chết…).

         2- Có chủ đề, nội dung rõ ràng như: sức khỏe, công việc..

         3- Xảy ra nhất thời, không có hoặc có rất ít dấu hiệu cơ thể.

2.2. Lo âu bệnh lý, hay rối loạn lo âu lan tỏa:

         1- Lo âu không phù hợp với hoàn cảnh, không có chủ đề rõ ràng, mơ hồ.

         2- Kéo dài nhiều tháng, lặp đi lặp lại với nhiều dấu hiệu cơ thể.

         3- Gây trở ngại đến các hoạt động của bệnh nhân. 

2.3.Nguyên nhân:

        Chủ yếu do sang chấn tâm lý (hay còn gọi là stress) trong đời sống, kết hợp với nhân cách có xu hướng lo âu.

2.4. Dấu hiệu của rối lọan lo âu lan tỏa:

          -Có 2 nhóm dấu hiệu:

     * Nhóm dấu hiệu tâm thần:

       1. Kích thích, cáu kỉnh, sợ hãi, bồn chồn, bất an.

       2. Mất khả năng kiểm soát lo âu, khó tập trung chú ý.

     * Nhóm dấu hiệu cơ thể:

       1.Đau căng cơ vùng cổ gáy, dễ mệt mỏi, vã mồ hôi, run, chóng mặt, đau căng đầu.

       2.Hồi hộp, mạch nhanh, đau ngực, đau vùng thượng vị, buồn nôn.

          Các dấu hiệu này kéo dài nhiều tháng và làm giảm hiệu quả hoạt động của bệnh nhân .

3. Vậy điều trị bệnh phải như thế nào? Cách phòng tránh ra sao?

3.1.Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu lan tỏa: Gồm có:

       1. Phương pháp hàng đầu là liệu pháp tâm lý,  gồm: giáo dục tâm lý, thư giãn, liệu pháp cảm xúc hành vi hợp lý…

       2. Dùng thuốc chống trầm cảm đều đặn, liên tục,  duy trì trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ khi hết triệu chứng, sau đó giảm dần liều trước khi cắt. Một số thuốc chống trầm cảm thường dùng là Sertraline, Paroxetine, Escitalopram, Venlafaxine…

        Có thể sử dụng thuốc giải lo âu, thuốc làm giảm nhịp tim, thuốc an thần kinh theo chỉ định của bác sĩ.

       3. Phục hồi chức năng: Hướng dẫn cho người bệnh trở lại sinh hoạt, lao động bình thường.

3.2.Các biện pháp phòng bệnh: Gồm có:

       1. Bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên hoạt động giải trí, thể dục, thể thao.

       2. Rèn luyện nhân cách vững mạnh, luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh xung đột, căng thẳng.

4. BS có thể cho biết thế nào là liệu pháp tâm lý ?

     Liệu pháp tâm lý là phương pháp chữa bệnh bằng sử dụng lời nói hoặc các công cụ giao tiếp khác giữa nhà trị liệu và người bệnh.

     Là liệu pháp không thể thiếu trong điều trị lo âu, nhằm mục đích: 
 
         1. Khắc phục các dấu hiệu bệnh lý, giải toả lo âu;

         2. Giảm liều thuốc, kéo dài thời gian ổn định, hạn chế tái phát;

       3.Hỗ trợ người bệnh tăng cường khả năng tự đối phó với sang chấn tâm lý, góp phần loại trừ nguyên nhân gây bệnh.

5. Đối với gia đình, phải làm gì để chăm sóc và giúp đỡ bệnh nhân tâm thần nói chung và rối loạn lo âu nói riêng tại cộng đồng, thưa bác sĩ ?

     Gia đình cần làm những việc:

         1. Đưa bệnh nhân đến khám BS Chuyên khoa tâm thần, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, TTYT huyện, hoặc Trạm Y tế xã; không nên quá lo lắng đến nỗi yêu cầu BS cho làm nhiều xét nghiệm và sử dụng thuốc về tim mạch, tiêu hóa, thần kinh… khi không cần thiết, vì gây lãng phí, thậm chí có hại.

        2.  Cho bệnh nhân uống thuốc đầy đủ, đúng liệu trình, định kỳ tái khám và nhắc nhở họ tự áp dụng liệu pháp tâm lý, phục hồi chức năng cho người bệnh theo hướng dẫn.

        3.  Nếu có mâu thuẫn, phải tìm cách cùng giải quyết; nên gần gũi, tránh hắt hủi, phân biệt đối xử với người bệnh.

Video clip phóng sự Rối loạn lo âu lan tỏa :

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 1.399.347
Truy câp hiện tại 81