Tìm kiếm
-
-

Bạn đánh giá webssite của bệnh viện như thế nào?
Nhìn lại sau 15 năm triển khai dự án Bảo vệ Sức khỏe Tâm thần Cộng đồng và Trẻ em tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 03/08/2015

     Trong tình hình kinh tế ngày càng phát triển, số người bị rối loạn tâm thần ở Việt Nam đang có chiều hướng tăng cao, nhất là trong giới trẻ do phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống như công việc, học tập, kinh tế. Bên cạnh đó, những tác động của mặt trái xã hội như nghiện game, chất kích thích cũng làm gia tăng các rối loạn tâm thần. Đáng lo ngại, trong khi số người có vấn đề về sức khỏe tâm thần tăng nhanh thì chúng ta lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai công tác chăm sóc, điều trị các rối loạn đó.

     Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Ngày 10/10/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký bổ sung Dự án Bảo vệ sức khỏe Tâm thần cộng đồng (BVSKTT) vào Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội – bệnh dịch nguy hiểm HIV & AIDS, nay thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế. Từ khi đi vào hoạt động Dự án đã xây dựng mô hình về quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh Tâm thần phân liệt và Động kinh tại cộng đồng.

Từ năm 2001 đến nay, Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng đã trải qua 03 giai đoạn với mỗi giai đoạn có những tên gọi khác nhau:

- Giai đoạn 2001 - 2005: Dự án “Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Tâm thần tại cộng đồng” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia “Phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS”.

- Giai đoạn 2006 - 2010: Đưa hai bệnh Động kinh và Trầm cảm thuộc dự án “Phòng chống một số bệnh không lây nhiễm" lồng ghép vào dự án “Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia “Phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm HIV & AIDS”.

- Giai đoạn 2011- 2015: Dự án “Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em” thuộc chương trình Mục tiêu Quốc gia về Y tế.

     Mục tiêu chung của Dự án là xây dựng mạng lưới, triển khai mô hình lồng ghép nội dung chăm sóc sức khoẻ tâm thần với các nội dung chăm sóc sức khoẻ khác của trạm y tế xã, phường cùng với phát hiện, quản lý và điều trị người bệnh kịp thời để họ sớm trở về sống hoà nhập với cộng đồng.

     Xác định rõ mục tiêu đó, những năm qua, Bệnh viện Tâm thần Huế (cơ quan quản lý và thực hiện dự án tại tỉnh Thừa Thiên Huế) đã phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện dự án từ tuyến tỉnh đến các trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường. Theo số liệu thống kê từ Phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện, tính đến tháng 7 năm 2015, Bệnh viện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: đã triển khai 152/152 số xã, phường quản lý bệnh Tâm thần phân liệt và 150/152 xã, phường quản lý bệnh Động kinh. Đến tháng 8 năm 2015, dự án sẽ triển khai thêm ở 2 xã, phường còn lại về quản lý bệnh Động kinh. Mọi người bệnh trong diện quản lý của dự án được khám, chữa bệnh, tư vấn cấp phát thuốc miễn phí tới tận tuyến y tế xã, phường. Nhờ có dự án, gia đình người bệnh giảm gánh nặng về kinh tế trong điều trị, tình trạng kích động, gây rối, gây hại và tái phát phải nhập viện điều trị nội trú giảm đáng kể. 

     Để dự án triển khai có hiệu quả, bên cạnh đảm bảo về nhân lực đội ngũ y, bác sĩ, Bệnh viện Tâm thần Huế còn chú trọng đào tạo chuyên môn cho mạng lưới chuyên khoa cơ sở. Cứ 2 năm một lần, Bệnh viện mở các lớp đào tạo tập trung tại bệnh viện cho các thư ký chương trình BVSKTT CĐ và TE của các huyện, xã được thay mới do biến động nhân sự trong thời gian 4 ngày về sức khoẻ tâm thần và hướng dẫn triển khai dự án.

     Bệnh viện còn tổ chức sinh hoạt có chuyên đề định kỳ cho 152 Tổ Gia đình bệnh nhân mỗi năm 2 lần. Nội dung sinh hoạt bao gồm bài truyền thông giáo dục có chất lượng và được cập nhật hàng năm.

     Bệnh viện cũng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khám phân loại thu gom bệnh nhân lang thang cơ nhỡ và duy trì công tác chỉ đạo điều trị tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Tỉnh. Tiếp tục tiến hành thu dung điều trị nội trú một số bệnh nhân mãn tính của Trung tâm Bảo trợ xã hội Tỉnh có khả năng điều trị và phục hồi chức năng tốt để trả về sinh hoạt với cộng đồng.

     Mỗi năm 2 đợt, Bệnh viện thành lập các đoàn lượng giá giám sát các TTYT huyện, thị nhằm phát hiện các tồn tại và đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời trong các lĩnh vực khám, phát hiện, điều trị, cung ứng thuốc cho bệnh nhân.

     Công tác truyền thông - GDSK tiếp tục được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, trên các phương tiện truyền thông đại chúng (phát sóng về tin hoạt động, phóng sự, phổ biến kiến thức, phát thông điệp GDSK tâm thần, chuyên mục trên các báo, đài phát thanh, truyền hình của tỉnh, ngành, khu vực và trung ương). Mỗi năm có trung bình 30 lượt phát sóng truyền hình. Hàng năm, phối hợp và chỉ đạo cho một huyện, thị làm điểm Meeting kỷ niệm “Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế  giới 10/10 “.

     Tuy còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí và nhân lực trong những năm gần đây nhưng với những nỗ lực, cố gắng và sự tận tình của đội ngũ y, bác sĩ, hy vọng rằng trong tương lai gần dự án sẽ tiếp tục mang đến nhiều kết quả thiết thực cho bệnh nhân tâm thần và người nhà.  

Tin và ảnh: Nhật Quang

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 1.415.523
Truy câp hiện tại 152