Tìm kiếm
-
-

Bạn đánh giá webssite của bệnh viện như thế nào?


Có phải tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19, bạn vẫn có thể bị mắc hay lây truyền bệnh
Ngày cập nhật 16/06/2021

Trong làn sóng đại dịch COVID lần này, đã xuất hiện các trường hợp tiêm đủ 2 liều vaccine COVID, nhưng vẫn mắc bệnh COVID qua báo cáo trên các nguồn thông tin chính thống trong và ngoài nước. Rõ ràng, nếu không nắm được cốt lõi của vấn đề, bạn và những người xung quanh dễ hoang mang và nghi ngờ vào hiệu quả của vaccine COVID. Trước hết, phải khẳng định tiêm đủ liều vaccine COVID có tác dụng giảm rõ nguy cơ lây nhiễm COVID. Bạn phải hết sức bình tĩnh, nếu tiêm đủ 2 liều vaccine COVID vẫn mắc bệnh, thật ra không có gì là vô lý cả. Đơn cử, kể ra việc tiêm vaccine cúm đã có từ lâu nay ai cũng biết, người tiêm đủ liều vaccine cúm hằng năm vẫn mắc bệnh cúm là chuyện quá bình thường, nhưng thống kê cho thấy người đã tiêm vaccine cúm sẽ giảm rõ nguy cơ mắc cúm, nếu mắc sẽ mắc cúm nhẹ hơn và rất hiếm khi có diễn biến xấu đi. Thế thì, từ câu chuyện vaccine cúm, chúng ta hãy phản biện câu chuyện vaccine COVID cũng có nhiều nét tương đồng, không có gì phải hoang mang và gây nhiễu thông tin trong cộng đồng.

Thắc mắc đầu tiên, có phải bạn vẫn có thể mắc COVID, dù bạn đã tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19?. Có các câu trả lời và giả thuyết sau:

   Đến nay, không có vaccine COVID nào có tác dụng bảo vệ bạn khỏi mắc bệnh COVID đạt 100%?

   Với vaccine Pfizer-BioNTech, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học uy tín The New England Journal of Medicine mới gần đây cho thấy rằng khả năng bảo vệ không bắt đầu cho đến 12 ngày sau mũi tiêm đầu tiên và đạt hiệu quả 52% trong vài tuần sau đó. Một tuần sau khi tiêm vaccine mũi thứ hai, tỷ lệ hiệu quả đạt 95%. Theo nghiên cứu tiêm vaccine AstraZeneca sau khi tiêm mũi đầu tiên, khả năng miễn dịch của người tiêm sẽ đạt khoảng 61-67%, sau mũi thứ 2 đạt khoảng 81%. Trong đơn xin cấp phép sử dụng vaccine Moderna, báo cáo tỷ lệ bảo vệ là 51% hai tuần sau lần chủng ngừa đầu tiên và 94% hai tuần sau liều tiêm thứ hai.

   Như vậy, tỷ lệ bảo vệ các vaccine vừa nêu trên không phải là 100% và có lẽ các sản phẩm vaccine mới không phải là ngoại lệ, và đến nay chưa có vaccine COVID-19 nào có tỷ lệ bảo vệ tuyệt đối trong các báo cáo gần đây. Có nghĩa là, vẫn có một tỷ lệ nhất định người đã được tiêm vaccine vẫn có thể bị phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 và mắc bệnh COVID-19.

   Sau khi bạn tiêm đủ 2 liều vaccine COVID, nhưng vẫn chưa đủ thời gian để tạo miễn dịch đầy đủ

   Vấn đề thời điểm nào cơ thể tạo miễn dịch một cách đầy đủ sau khi tiêm vaccine COVID, vẫn chưa có thống nhất trong các nghiên cứu, và còn tùy thuộc vào các loại vaccine cụ thể nhất định.

   Có nghĩa là, phải cần có thời gian để cơ thể nhận diện kháng nguyên của virus SARS-CoV-2, cơ thể sẽ huy động hệ thống miễn dịch đáp ứng lại kháng nguyên và tạo ra lượng kháng thể đủ để bảo vệ cơ thể.

   Như vậy, có thể bạn vừa mới hoàn thành liều thứ hai vaccine COVID chưa đủ lâu để cơ thể tạo ra đủ kháng thể bảo vệ bạn, vì vậy bạn vẫn có thể phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 và mắc bệnh COVID.

   Đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với vaccine COVID khác nhau trên từng người, phụ thuộc vào sự hoàn thiện của hệ thống miễn dịch đang có của cơ thể vào thời điểm tiêm vaccine, phụ thuộc vào tuổi tác

   Đáp ứng của hệ thống miễn dịch đối với vaccine COVID khác nhau ở từng cá thể nhất định, và kết quả tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể có các tỷ lệ cao thấp khác nhau. Người có tỷ lệ miễn dịch càng cao đối với virus SARS-CoV-2, khả năng mắc bệnh COVID sẽ thấp hơn.

   Khi bạn già đi, miễn dịch cơ thể xuống dốc, chắc chắn đáp ứng miễn dịch có khuynh hướng giảm đối với kháng nguyên có từ vaccine COVID khi tiêm vào. Và kết quả tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể sẽ thấp hơn so với người trẻ tuổi có hệ thống miễn dịch hoàn thiện hơn.

   Do hình thành nhanh các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, như biến chủng Anh và Ấn Độ làm đáp ứng miễn dịch không kiểm soát hiệu quả

   Việc xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, như biến chủng Anh và Ấn Độ làm chúng có thể thoát khỏi tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch của cơ thể, vốn đã hình thành sau khi tiêm vaccine COVID để đáp ứng chống trả lại một chủng cụ thể khác của virus SARS-CoV-2.

   Điều này hay thấy ở các virus khác, Ví dụ: Hằng năm, bạn đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa cúm, nhưng có thể bạn sẽ phơi nhiễm típ khác của virus cúm nằm ngoài tầm kiểm soát đáp ứng miễn dịch do vaccine cúm đã chủng ngừa trước đó,  kết quả bạn vẫn mắc bệnh cúm với típ virus cúm khác.

   Một thắc mắc nữa, bạn có thể lây virus SARS-CoV-2 cho người khác ngay cả khi bạn đã tiêm phòng đầy đủ 2 liều vaccine COVID-19 không?

   Đây là một thắc mắc đáng quan tâm trong cộng đồng, nhưng sự thật cho đến nay các nhà khoa học nghiên cứu về hiệu quả của các mũi tiêm vaccine COVID-19 vẫn chưa có câu trả lời xác đáng cho thắc mắc vừa nêu. Vậy trong bối cảnh chưa đủ các thông tin tin cậy, các chuyên gia sức khỏe cộng đồng thường chọn cách giải quyết là: Bạn nên hành động như câu trả lời là “Có”, và cứ mặc định là có thể lây virus SARS-CoV-2 cho người khác ngay cả khi đã tiêm phòng đầy đủ vaccine COVID-19.

   Đây là lý do tại sao: Trước khi phê duyệt vaccine Moderna và Pfizer, FDA (Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chỉ hỏi các nhà sản xuất vaccine liệu sản phẩm của họ có bảo vệ mọi người khỏi COVID-19 hay không?. FDA không hỏi liệu vaccine có ngăn những người đã được tiêm phòng lây lan virus sang người khác hay không?.

   Vậy bạn có thể làm lây lan virus SARS-CoV-2 theo cơ chế nào, ngay khi bạn đã được chủng ngừa đủ 2 liều vaccine COVID-19?

   Giả thuyết đặt ra: Bạn vẫn có thể bị nhiễm bệnh COVID nhưng không có triệu chứng sau khi đã được chủng ngừa đủ 2 liều vaccine COVID-19, rồi chính bạn thành người mang virus SARS-CoV-2 tiềm ẩn làm lây lan virus cho người khác.

   Giả thuyết đặt ra, bạn đã được chủng ngừa đầy đủ và bạn bị phơi nhiễm virus SARS-CoV-2. Rõ ràng nghiên cứu đã cho thấy bạn ít có khả năng phát triển các triệu chứng so với khi chưa tiêm chủng. Nhưng hệ thống miễn dịch của bạn có thể không khống chế virus hoàn toàn, có thể cho phép một số virus SARS-CoV-2 tồn tại và sinh sản và bị tống xuất ra khỏi mũi hoặc miệng của bạn trong hơi thở, ho hoặc hắt hơi. Rõ ràng giả thuyết vừa nêu không dễ loại bỏ, không ai có thể chắc chắn điều này có thực sự xảy ra hay không hoặc nếu nó xảy ra thường xuyên vẫn có thể làm phát tán virus hoạt động để gây bệnh cho người khác.

   Tóm lại, với tình hình dịch COVID đang hoành hành ở nhiều quốc gia hiện nay, gây tổn thất vô cùng nghiêm trọng cho phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt công việc của mỗi cá nhân. Đặc biệt, đã xuất hiện các trường hợp tiêm đủ 2 liều vaccine COVID, nhưng vẫn mắc bệnh COVID. Trong tình hình đó, giải pháp tối ưu phòng chống dịch COVID hiện nay vẫn là 5K + vaccine COVID. Các bạn cần phải tiếp tục tiêm phòng vaccine COVID cho đến khi đạt một tỷ lệ miễn dịch cộng đồng nhất định, bạn cần luôn nắm vững các mục đích cốt lõi của tiêm vaccine COVID là: Vaccine COVID không ngăn chặn 100% lây nhiễm bệnh COVID, nhưng sẽ làm giảm mạnh nguy cơ lây nhiễm COVID sau khi tiêm đầy đủ. Nếu không may bạn mắc COVID sau khi tiêm đầy đủ, bệnh COVID có thể sẽ không triệu chứng hoặc nhẹ và ít diễn biến nặng, dẫn đến giảm nguy cơ nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.

TS. BS. Lê Thanh Hải
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 1.371.428
Truy câp hiện tại 260