Tìm kiếm
-
-

Bạn đánh giá webssite của bệnh viện như thế nào?
Gia tăng bệnh nhân tâm thần do ma túy đá
Ngày cập nhật 07/06/2019

TTH - Tính riêng hai tháng đầu năm 2019 có hơn 200 trường hợp vào khám, điều trị tại Bệnh viện (BV) Tâm thần Huế do sử dụng ma túy, trong đó ma túy đá bằng 1/3 số bệnh nhân năm 2018 và đa phần là giới trẻ.

 

Nhiều bệnh nhân trẻ đang được điều trị tại BV Tâm thần Huế do sử dụng ma túy đá

Đa số là người trẻ

Sau hơn 1 tuần điều trị tại Bệnh viện (BV) Tâm thần Huế, PVH. làm nghề cắt tóc tại phường Kim Long, TP. Huế vẫn chưa hết bàng hoàng kể, khi nghe bạn bè rủ rê hít phải ma túy đá đầu óc cứ tâng tâng, nói năng mất kiểm soát, đánh đuổi người thân. Có những đêm H. không ngủ, hất bỏ đồ đạc... H. không biết người thân đưa vào viện từ lúc nào, điều trị ra sao để ổn định tâm lý, trò chuyện với các điều dưỡng tại Khoa Nội trú I, BV Tâm thần Huế.

Bác sĩ Nguyễn Thái Phú, trực tiếp điều trị cho H. chia sẻ, khi người nhà đưa H. vào viện, người không bình thường, nói chuyện không đầu không cuối. Khi hỏi đau gì thì H. cứ cho mình là người quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn ở xã hội. Sau khi điều trị thuốc an thần và gần gũi chuyện trò, H. dần dần ổn định.

Theo bác sĩ Phú, gần đây trường hợp như H. vào BV Tâm thần Huế khá nhiều; trong đó có không ít trường hợp điên loạn, mất tính người mà gia đình phải nhờ công an địa phương di lý đến để điều trị. Bạn ĐVT. ở Tây Lộc, TP. Huế, một trong 30 trường hợp đang điều trị tại BV đã thành nỗi ám ảnh của các y, bác sĩ ở đây. ĐVT. có hoàn cảnh khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định. Do la cà ở các quán cà phê rồi dính vào ma túy.

Đến thời điểm này, T. đã vào BV Tâm thần Huế không dưới 6 lần. Lần này vào viện là do T. chơi ma túy đá cùng với nhóm bạn ở phường. Lúc đầu, cứ nghĩ đơn giản tạo cảm giác lạ. Không ngờ khi "dính" vào T. trở thành người khác, bị ảo giác, lúc nào cũng nghĩ có người đuổi đánh, dọa giết... Một điều dưỡng ở đây cho biết, khi vào viện, T. bị kích động mạnh, phá phách mọi đồ dùng trong nhà, sau đó đòi trèo lên đường dây điện trên mái nhà... buộc người thân phải "khống chế" vào BV Tâm thần Huế để chữa trị.

Ma túy đá hiện có dạng bột trắng, vàng, nâu, hoặc có dạng trắng tinh trong suốt nên nhiều người gọi "hàng trắng", "đá trắng", "pha lê"... Loại ma túy này có tên khoa hoc là Methamphethamine đang làm mê hoặc giới trẻ. Khi sử dụng lần đầu, chất này tạo nên cảm giác hưng phấn mãnh liệt, cảm giác hạnh phúc, sung sướng... Nếu tiếp tục lạm dụng sẽ tác động đến hệ thần kinh, gây chứng hoang tưởng, ảo giác, kích thích làm hành vi mất kiểm soát gây bạo lực …

Cần sự quan tâm của gia đình, cộng đồng

Bác sĩ CK I Nguyễn Ngọc Thượt, Phó Giám đốc BV Tâm thần Huế cho biết, năm 2017, đơn vị đón khoảng 350 bệnh nhân đến khám, điều trị do sử dụng chất gây nghiện. Năm 2018, số lượng bệnh nhân tăng gấp đôi. Riêng hai tháng đầu năm 2019, đã có hơn 200 trường hợp vào khám, điều trị tại BV Tâm thần Huế do sử dụng ma túy, đặc biệt ma túy đá; bằng 1/3 số lượng bệnh nhân năm 2018. Đa phần trong số này là giới trẻ từ 18 - 22 tuổi, thậm chí có trường hợp mới chỉ 15 tuổi. Đáng tiếc, không ít trường hợp sử dụng ma túy đá ở TP. Huế bị loạn thần không kiểm soát hành vi, đã gây hậu quả buồn cho người thân và gia đình trong thời gian gần đây.

Nếu như nghiện ma túy có thể được điều trị bằng phương thức sử dụng methadone- một thuốc dạng chất thay thế ma túy. Còn ma túy đá hiện trên thế giới chưa có một loại thuốc nào điều trị hiệu quả. Hiện, tại BV Tâm thần Huế chưa có phác đồ cai nghiện ma túy đá, mà chỉ trị triệu chứng, như người bệnh được cho dùng thuốc an thần khi bị kích động, dùng thuốc chống trầm cảm khi bị trầm cảm, dùng thuốc trị tâm thần phân liệt khi bị loạn thần...

Các y, bác sĩ còn dùng liệu pháp tâm lý, tư vấn, giảm thiểu tác hại, với thời gian 1-2 tuần bệnh nhân sẽ ổn định. Tuy nhiên, sau điều trị người bệnh dễ dàng tái nghiện do vẫn còn cảm giác thèm, nhớ thuốc. Do vậy, "gốc rễ" phòng ngừa việc tái nghiện là nâng cao sự nhận thức, tách người nghiện ra khỏi môi trường có thể mua, tiếp cận được với ma túy, tách họ khỏi bạn bè có thể rủ rê dùng ma túy và người thân nên gần gũi, chia sẻ không để con cháu, người thân của mình "dính" vào ma túy.

"Kinh nghiệm điều trị bệnh tâm thần cho trường hợp dùng các chất gây nghiện, đặc biệt là ma túy đá thì yếu tố quan trọng nhất là gia đình và cộng đồng. Những bệnh nhân có gia đình quan tâm tận tình, phối hợp chặt chẽ với bác sĩ thì kết quả điều trị tốt hơn rất nhiều...". Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thượt nói.

Bài, ảnh: MINH VĂN

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 1.703.947
Truy câp hiện tại 218