I. Lịch sử hình thành bệnh viện qua từng thời kỳ:
- 1977 - 1989: Trạm Tâm thần Bình Trị Thiên
- 1989 - 1999: Trạm Tâm thần Thừa Thiên Huế
- 2000 - 2006: Khoa Tâm thần thuộc TTPC Bệnh xã hội.
- 2007 : Bệnh viện Tâm thần Huế được thành lập theo Quyết định số 1650/QĐ-UBND ngày 26/7/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thưà Thiên- Huế.
- 2012 : Bệnh viện Tâm thần Huế được xếp hạng theo Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày 28/6/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thưà Thiên- Huế về việc xếp hạng Bệnh viện Tâm thần Huế là bệnh viện hạng II thuộc Sở Y tế.
II. Những thành tích đạt được trong thời gian qua:
Triển khai điều trị nội trú từ 14 tháng 4 năm 2009 đồng thời tiếp tục triển khai Chương trình Bảo vệ sức khỏe Tâm thần cộng đồng và Trung tâm giám định pháp y tâm thần với nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân trong toàn tỉnh.
Dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế và Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, qua 5 năm Bệnh viện Tâm thần đã hoàn thành kế hoạch được giao:
1. Công tác bệnh viện
- Công tác điều trị nội trú: qua 5 năm triển khai điều trị nội trú số giường bệnh tăng dần theo từng năm, năm 2009 triển khai 30 giường nội trú đến năm 2013 triển khai 115 giường nội trú (chỉ tiêu được giao 70 giường nội trú), các chỉ tiêu chính như tổng số bệnh nhân điều trị nội trú, công xuất giường bệnh, luân lưu giường bệnh đều vượt kế hoạch được giao và năm này cao hơn năm trước.
- Trung tâm Giám định pháp y Tâm thần tỉnh đã tiến hành giám định 132 trường hợp, trong đó 107 trường hợp hình sự, 25 dân sự và 451 trường hợp giám định sức khỏe tâm thần, công tác giám định đúng các chức năng nhiệm vụ được giao, đảm bảo đầy đủ các thủ tục, nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp. Không để xẩy ra sai sót, thiếu khách quan trong hoạt động giám định.\
- Khám sức khỏe tâm thần cho các trường hợp kết hôn với người ngoại quốc: 275 người.
- Thành lập và đưa vào hoạt động Đơn nguyên Tâm thần trẻ em thuộc Khoa Tâm lý lâm sàng. Bệnh viện Tâm thần Huế một trong ít những Bệnh viện Tâm thần tuyến tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai Khoa này.
- Trong năm qua công tác quản lý đã được chú trọng. Các bộ phận chức năng đã đi vào hoạt động nề nếp, có sự phân công chức trách, nhiệm vụ và các khoa phòng đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Hàng tháng, quý, năm đều có kế hoạch cụ thể. Việc quản lý tài sản, tài chính được thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra mất mát hoặc thất thoát. Các Hội đồng Thuốc và điều trị, Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Hội đồng Điều dưỡng, Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn...đã hoạt động theo đúng quy chế bệnh viện.
- Công tác đào tạo: Bệnh viện phối hợp với Bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Dược là cơ sở đào tạo thực hành cán bộ bậc đại học, sau đại học, trung học và tổ chức đào tạo lại cho các thành viên trong bệnh viện, tuyến cơ sở để nâng cao trình độ chuyên môn. Trong 4 năm tổ chức nhiều lớp tập huấn về tâm thần học cho cán bộ phụ trách chuyên khoa, cộng tác viên y tế từ tuyến tỉnh, huyện đến tận xã, phường. Đẩy ẩy mạnh công tác đào tạo và đào tạo lại cho các thành viên trong bệnh viện và tuyến cơ sở, nhiều cán bộ viên chức đang theo học các lớp đào tạo Chuyên khoa I, II; Cử nhân xét nghiệm, Cử nhân Điều dưỡng, Đại học hệ tập trung 4 năm Y và Dược và nhiều đại học khác.
- Tiếp tục củng cố và thiết lập hệ thống hồ sơ sổ sách, các quy chế trong hoạt động khám chữa bệnh. Triển khai hệ thống mạn LAN trong quản lý bệnh nhân, kê đơn cấp phát thuốc.
2. Công tác chỉ đạo tuyến:
- Triển khai có hiệu quả chương trình quốc gia tại 152 xã, phường, trong đó, có 100% xã trọng điểm tâm thần phân liệt và triển khai mới 26 xã trọng điểm động kinh trên 9 huyện, thị xã và TP Huế. Nâng số xã trọng điểm động kinh lên 64 xã.
- Phát hiện và quản lý điều trị mới: DABVSKTTCĐVTE phát hiện, quản lý 243 bệnh nhân tâm thần phân liệt [(121,5% kế hoạch (KH)] và 82 bệnh nhân động kinh (136,6% KH); điều trị thuyên giảm và phục hồi chức năng tâm lý xã hội loại tốt đạt 76,4% bệnh nhân tâm thần phân liệt (KH 76,2% ) và 75,7% bệnh nhân động kinh (KH 75,5%). Chương trình Ưu tiên địa phương phát hiện mới 92 bệnh nhân động kinh (115% KH) và 45 bệnh nhân tâm thần phân liệt (112,4% KH), điều trị thuyên giảm và phục hồi chức năng tâm lý xã hội loại tốt đạt 75,9% bệnh nhân tâm thần phân liệt (KH 75,7%) và 75,5% bệnh nhân động kinh (KH 75,4 %).
- Công tác cai nghiện ma túy:
+ Hội nghị, tập huấn: Tổ chức hội nghị “Triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng 27 phường, TP Huế” cho lãnh đạo, các ban ngành liên quan và tổ công tác cai nghiện của 27 phường, thành phố Huế. Tổ chức lớp tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy và cấp giấy chứng nhận cho đội ngũ cán bộ y tế tại địa phương có người nghiện ma tuý. Tổ chức lớp tập huấn “Triển khai công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng phường Trường An-TP Huế” cho cán bộ cốt cán và Tổ công tác cai nghiện phường.
+ Chỉ đạo, hướng dẫn, cung ứng thuốc và xét nghiệm trong việc điều trị cai nghiện ma túy, áp dụng phác đồ điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy bằng an thần kinh do Bộ Y tế ban hành tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn TP Huế.
- Tổ chức sinh hoạt có chuyên đề định kỳ cho 152 Tổ Gia đình bệnh nhân.
- Với Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Đại học Y Dược Huế: phối hợp về chuyên môn nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật để giải quyết những vấn đề có liên quan trong công tác khám chữa bệnh tâm thần và đào tạo đại học, đào tạo cán bộ chuyên khoa.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
+ Với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh: Khám phân loại thu gom bệnh nhân lang thang cơ nhỡ và duy trì công tác chỉ đạo điều trị tại Trung tâm cho 479 bệnh nhân (459TTPL, 23 ĐK). Tiếp tục tiến hành thu dung điều trị nội trú một số bệnh nhân mãn tính của Trung tâm có khả năng điều trị và phục hồi chức năng tốt để trả về sinh hoạt với cộng đồng.
+ Với Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội: hỗ trợ trong công tác cung ứng, quản lý và sử dụng hướng thần, áp dụng phác đồ điều trị nghiện ma tuý bằng thuốc an thần kinh.
- Công tác Truyền thông – Giáo dục sức khỏe (GDSK): tiếp tục được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, trên các phương tiện truyền thông đại chúng (phát sóng 26 lượt về tin hoạt động, phóng sự, phổ biến kiến thức, phát thông điệp GDSK tâm thần, chuyên mục trên các báo, đài phát thanh, truyền hình của tỉnh, ngành, khu vực và trung ương). Đặc biệt, nhân ngày 27/2 tăng cường phát hành bích chương, tờ rơi, tờ bướm đến tận thôn bản. Nhân Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10/10/2013), treo băng rôn, tờ rơi, bích chương…tại 9 huyện, thị xã và thành phố, tổ chức meeting tại huyện Quảng Điền phát động chiến dịch truyền thông giáo dục sức khỏe tâm thần.
- Phối hợp tốt với các ngành liên quan: với Bộ môn Tâm thần Trường đại học Y Dược Huế, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Khoa Tâm thần Bệnh viện Trung ương Huế, công an TP Huế...trong công tác quản lý, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng.
- Công tác nghiên cứu khoa học: trong những năm qua đã hoàn thành 23 đề tài nghiên cứu khoa học. Trong 3 năm qua đã hoàn thành 3 đề tài: Nghiên cứu tỷ lệ các rối loạn tâm thần và một số yếu tố thúc đẩy hành vi phạm tội ở bệnh nhân tâm thần đến giám định nội trú tại Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần tỉnh Thừa Thiên - Huế (2010); Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt thể paranoide tại Bệnh viện Tâm thần Huế (2011). Nghiên cứu mô hình bệnh tật của người dân đến khám và điều trị tại Khoa khám bệnh Bệnh viện Tâm thần Huế (2011) và 2 đề tài cấp ngành “Nghiên cứu so sánh hiệu quả điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt bằng Olanzapine và Risperidone cùng phối hợp thuốc chỉnh khí sắc tại Bệnh viện Tâm thần Huế”, “ Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị kích động tâm thần vận động ở bệnh nhân tâm thần phân liệt điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Huế” .
- Hợp tác quốc tế: Hợp tác với tổ chức BasicNeeds (Vương Quốc Anh), Trường Đại học Công nghệ Queensland trong công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ tân thần cộng đồng.
- Các hoạt động khác: cán bộ công nhân viên chức, đảng viên trong đơn vị chấp hành tốt đường lối chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, thực hiện đúng pháp luật.... Các hoạt động Đảng, Đoàn thể hàng năm đều đạt các danh hiệu xuất xắc, được cấp trên khen thưởng.