Thông tin cơ bản
Dân số thế giới chưa bao giờ nhiều người cao tuổi như hiện nay. Số người trong độ tuổi từ 60 trở lên là hơn 800 triệu người. Ước tính con số này sẽ tăng lên hơn 2 tỉ người vào năm 2050. Những người trong độ tuổi 60 có thể sống thêm được 18.5 đến 21.6 năm nữa (1). Chẳng mấy chốc mà số người cao tuổi trên thế giới sẽ nhiều hơn số trẻ em. Đối lập với các quan niệm phổ biến, phần lớn người cao tuổi sống ở các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình, tỷ lệ già hóa sẽ tăng trưởng nhanh nhất ở những khu vực này (2,3).
Liên hiệp quốc sử dụng mốc 60 tuổi để chỉ những người cao tuổi (UNFPA, 2012). Tuy nhiên, ở rất nhiều quốc gia thu nhập cao mốc 65 tuổi mới được cho là người cao tuổi vì ở mức tuổi này người ta mới được hưởng an sinh xã hội cho người già (1,2). Mức tuổi cao hơn này có thể không phù hợp với tình trạng của các quốc gia đang phát triển bao gồm cả Châu Phi, nơi có tuổi thọ trung bình thường thấp hơn ở các quốc gia thu nhập cao (4).
Người cao tuổi đang phải đối mặt với các thách thức sức khỏe đặc biệt. Nhiều người già đang bị mất đi khả năng sống một cách độc lập vì họ bị hạn chế về vận động, yếu về thể chất hoặc các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm thần khác mà đòi hỏi phải có sự chăm sóc lâu dài. Từ giai đoạn đầu của thiên niên kỷ, có một điều rõ ràng ở Mỹ là khoảng 20% số người từ 55 tuổi trở nên mắc ít nhất một rối loạn tâm thần (5). Sau đó, các thống kê trên toàn cầu cho thấy đây là vấn đề hết sức phổ biến (6). Các vấn đề sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi thường không được xác định bởi các chuyên gia về y tế và bản thân họ, người cao tuổi thường miễn cưỡng tìm kiếm sự trợ giúp.
Các yếu tố tiềm ẩn của các vấn đề sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi
Một loạt các yếu tố xã hội, nhân khẩu, tâm lý và sinh học góp phần vào tình trạng sức khỏe tâm thần của một con người. Hầu hết các yếu tố này đặc biệt đúng với nhóm người cao tuổi.
Các yếu tố như nghèo đói, sự cô lập xã hội, mất tự do, sự cô đơn và mất mát có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sức khỏe nói chung. Người cao tuổi thường trải qua các sự kiện như người thân chết và sức khỏe thể chất giảm sút nghiêm trọng, điều này ảnh hưởng đến cảm xúc, sự thoải mái và có thể dẫn đến sức khỏe tâm thần kém. Họ cũng có thể bị ngược đãi ở nhà hoặc ở các khu điều dưỡng (7). Mặt khác hỗ trợ xã hội và các tương tác trong gia đình có thể thúc đẩy giá trị của người cao tuổi, và có vai trò bảo vệ đối với các đầu ra về sức khỏe tâm thần ở nhóm người này.
Trên khắp thế giới, số phụ nữ cao tuổi nhiều hơn số nam giới cao tuổi. Sự khác biệt gia tăng với tiến độ về tuổi tác được gọi là “nữ hóa lão hóa”. Nam giới cao tuổi và phụ nữ cao tuổi có các đặc điểm sức khỏe và bệnh tật khác nhau, thường thì phụ nữ có thu nhập thấp hơn nhưng lại có các mạng lưới hỗ trợ gia đình tốt hơn nam giới (1). Tuy nhiên, bệnh trầm cảm và Alzheimer lại có tỷ lệ nữ nhiều hơn (8).
Sự đoàn kết giữa các thế hệ đang ngày càng giảm xuống, đặc biệt là ở những nước thu nhập cao. Ở một số nước thu nhập thấp và trung bình, số ông bà đang sống cùng với cháu dường như đang tăng lên. Điều này được gọi là hiện tượng “nhảy cóc thế hệ” và đang trở nên ngày càng phổ biến bởi có sự di cư vì điều kiện kinh tế, và ở một số nơi thì do hậu quả của việc nhiều người trong độ tuổi lao động chết vì HIV/AIDS. Tác động của điều này đối với các căng thẳng tâm lý xã hội ở người cao tuổi cần được nghiên cứu nhiều hơn (1).
Sự thay đổi đặc điểm nhân khẩu học một cách mạnh mẽ dẫn đến các thách thức mới nhưng cũng đem lại các cơ hội tiềm năng. Các tác động kinh tế xã hội đi kèm với các hậu quả về sức khỏe là các quan tâm mới của thế giới hiện nay. Các thay đổi trong vai trò xã hội của người cao tuổi có một tác động đến sự thoải mái của họ. Ở khá nhiều quốc gia, người cao tuổi có sức khỏe tốt hơn so với trước đây. Người cao tuổi được mong đợi nhiều hơn về năng suất lao động và thậm chí được yêu cầu đóng góp nhiều hơn cho gia đình và/hoặc cộng đồng. Thái độ nhìn nhận người cao tuổi thường được gắn liền với giá trị của họ, tuy nhiên có một số ngoại lệ ở một vài nền văn hóa. Vai trò mong đợi đối với người cao tuổi hiện nay có vẻ như đã thay đổi, họ không chỉ là “người cố vấn uyên bác” như đã phổ biến ở hầu hết các nơi trên thế giới.Tuổi nghỉ hưu đang tăng lên ở rất nhiều quốc gia thu nhập cao. Người cao tuổi được mong đợi và có thể đóng góp quan trọng cho xã hội như các thành viên của gia đình, tình nguyện viên, thành phần tích cực của lực lượng lao động phù hợp. Tuy nhiên, cải thiện năng suất lao động và yêu cầu người cao tuổi cung cấp hỗ trợ cho các động đồng và gia đình thì xã hội phải hỗ trợ thêm cho họ để họ thực hiện được các nhiệm vụ ấy.
Một yếu tố rủi ro quan trọng đối với sức khỏe và sức khỏe tâm thần của người cao tuổi, một vấn đề nhân quyền quan trọng, là sự bạc đãi đối với người cao tuổi. WHO định nghĩa bạc đãi người cao tuổi là “một hành vi đơn lẻ hoặc lặp lại, hoặc thiếu các hành động phù hợp, xảy ra trong bất kỳ mối quan hệ mà ở đó người ta mong đợi sự tin tưởng, dẫn đến tổn thương hoặc đau khổ đối với người cao tuổi”. Hành động này bao gồm lạm dụng thể chất, tình dục, tâm lý, cảm xúc, tài chính vật chất, bỏ mặc, thờ ơ, đánh mất phẩm giá và lòng tự trọng nghiêm trọng. Ở các nước thu nhập cao, nơi có dữ liệu, khoảng 4-6% người cao tuổi đã từng trải qua một hình thức ngược đãi ở nhà. Con số thực tế có thể cao hơn vì có nhiều người cao tuổi không dám hoặc không thể báo cáo tình trạng ngược đãi. Các dữ liệu về tình trạng này ở các cơ sở như bệnh viện, nhà điều dưỡng và các cơ sở chăm sóc người cao tuổi khác thường khan hiếm và được coi như là cao hơn nhiều so với ngược đãi người cao tuổi tại nhà. Ngược đãi người cao tuổi có thể dẫn đến các chấn thương thể chất, thậm chí là các hậu quả tâm lý nghiêm trọng, lâu dài bao gồm cả trầm cảm và lo âu (9).
Thúc đẩy sức khỏe tâm thần trong quá trình lão hóa lành mạnh
Sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi có thể được cải thiện thông qua thúc đẩy sự lão hóa lành mạnh và tích cực và các yếu tố kinh tế xã hội, giải quyết các bất bình đẳng về y tế, bất bình đẳng giới. Các hình thức chống lại sự lão hóa tích cực được gọi là “chủ nghĩa tuổi tác” cần phải được thay đổi. Thái độ của “chủ nghĩa tuổi tác” coi người cao tuổi là dễ đổ vỡ, “quá hạn sử dụng”, không thể làm việc, yếu về thể lực, chậm về tâm thần, không có khả năng hoặc vô dụng. “Chủ nghĩa tuổi tác” đóng vai trò như rào cản phân chia giữa người trẻ và người cao tuổi, và cản trở sự tham gia của người cao tuổi vào các hoạt động xã hội. Sự phân biệt đối xử do vấn đề tuổi tác có tác động tiêu cực đến phúc lợi của người cao tuổi (10). Lão hóa là một quá trình từ từ và có nhiều việc có thể làm để cải thiện sức khỏe tâm thần và phúc lợi cho giai đoạn cuối đời. Sự tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa, các mối quan hệ cá nhân chặt chẽ và sức khỏe thể chất tốt là các yếu tố then chốt. Nghèo đói là yếu tố nguy cơ cho các rối loạn tâm thần ở người cao tuổi và vấn đề này cần được quan tâm (11). Giải quyết vấn đề ngược đãi người cao tuổi là cách tiếp cận quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe tâm thần. Chăm sóc sức khỏe ban đầu và cộng đồng và các dịch vụ xã hội cần nhạy cảm và hỗ trợ với các hiện tượng lạm dụng người cao tuổi. Sự phân tuyến kỹ thuật và giám sát chặt chẽ của các cơ sở chức năng là các chiến lược bổ sung quan trọng để các dịch vụ được cung cấp tốt hơn cho cộng đồng người cao tuổi trong xã hội.
Thúc đẩy phong cách sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư nói chung, bắt đầu từ nhóm trẻ tuổi với các chiến lược như tăng cường các hoạt động thể chất và tinh thần, phòng chống thuốc lá, phòng ngừa sử dụng rượu bia một cách có hại, phát hiện và điều trị sớm các bệnh không lây có thể góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi.
Huy động xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, các mối liên hệ giữa tổ chức công và tư nhân để điều hành việc thực hiện các hiện các chiến lược nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi.
Các vấn đề sức khỏe thể chất ở người cao tuổi
Thậm chí ở các quốc gia nghèo nàn về nguồn lực, ngày càng nhiều người cao tuổi chết vì các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái đường hơn là các bệnh lây nhiễm và do ký sinh trùng. Bên cạnh đó, người cao tuổi thường xuyên có nhiều vấn đề sức khỏe cùng một lúc (8). Các yếu tố nguy cơ của bệnh thoái hóa não như cao huyết áp, đái đường, nồng độ cholesterol cao đang gia tăng ở người cao tuổi (12).
Sức khỏe tâm thần có một tác động lớn về sức khỏe thể chất. Ví dụ việc vừa bị đái đường, vừa bị trầm cảm có liên quan với việc giảm tuân thủ điều trị, giảm kiểm soát trao đổi chất, tỷ lệ biến chứng cao hơn, giảm chất lượng cuộc sống, tăng sử dụng dịch vụ y tế và các chi phí, gia tăng khiếm khuyết và giảm năng suất lao động, tăng nguy cơ tử vong (13). Người có các bệnh thực thể như bệnh tim mạch, đái đường, hen, và khớp có tỷ lệ trầm cảm cao hơn ở những người khỏe mạnh (14).
Các rối loạn tâm thần ở người cao tuổi
Bệnh mất trí
Mất trí là một hội chứng bao gồm giảm sút trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày như ăn, mặc, vệ sinh cá nhân, đi toilet (15). Nhìn chung, bệnh có ảnh hưởng đến người cao tuổi, đây không phải là một phần bình thường của sự lão hóa. Một báo cáo của WHO và Hiệp hội quốc tế về bệnh Alzheimer (ADI) năm 2012 ước tính tỷ lệ thô của bệnh vào khoảng 4.7% ở nhóm người từ 60 tuổi trở nên, tương đương với khoảng 35,6 triệu người trên thế giới đang sống với bệnh mất trí (12). Tổng số người mắc bệnh mất trí được dự tính là gần gấp đôi cứ mỗi 20 năm, có nghĩa là có khoảng 65,7 triệu người bệnh vào năm 2030 và lên tới 115,4 triệu người bệnh vào năm 2050 (12). Phần lớn sự gia tăng này được cho là gia tăng số lượng người cao tuổi mắc bệnh mất trí ở các nước thu nhập thấp và trung bình (Sơ đồ 1). Có nhiều tác động phức tạp về kinh tế và xã hội ở các khía cạnh như chi phí y tế trực tiếp, chi phí xã hội trực tiếp và chi phí của chăm sóc không chính quy. Dự tính tổng chi phí chiếm khoảng từ 0,24% GDP ở các nước thu nhập thấp đến 1,24% ở các nước thu nhập cao (12).