Tìm kiếm
-
-

Bạn đánh giá webssite của bệnh viện như thế nào?
Bệnh viện Tâm thần Huế tổ chức Đoàn tham quan di tích lịch sử nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước
Ngày cập nhật 03/05/2015

      Thiết thực chào mừng Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), Kỷ niệm 129 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 – 01/5/2015) , từ ngày 28/4 đến 01/05/2015, Bệnh viện Tâm thần Huế đã tổ chức chuyến tham quan du lịch đến các di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới cho cán bộ viên chức của đơn vị. Đây là một trong những hoạt động thường niên được Ban Chấp hành Công đoàn Bệnh viện quan tâm, nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, niềm tự hào của quê hương đất nước, mang  niềm vui, những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn sau nhiều ngày làm việc căng thẳng, là dịp để các anh chị em trong bệnh viện được giao lưu, thắt chặt thêm tình đoàn kết. Đồng thời, cũng là dịp tái tạo sức lao động, tăng thêm niềm phấn khởi, hăng say làm việc cho cán bộ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng, hiệu quả cao hơn. 

     Được xác định là chuyến tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày, đến nhiều địa danh, chiều dài quãng đường rất lớn, nên công tác chuẩn bị đã được Ban Giám đốc, Ban Chấp hành Công đoàn Bệnh viện Tâm thần Huế tiến hành chu đáo từ khâu phân công trực gác đảm bảo tốt công tác điều trị, chăm sóc người bệnh, an toàn trật tự tại đơn vị đến phân công người tổ chức, làm công tác y tế, hậu cần cho chuyến tham quan, …

     Điểm dừng đầu tiên của Đoàn là Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến với Vũng Chùa, các thành viên của Đoàn đã đặt vòng hoa và thành tâm dâng nén hương lên mộ Đại tướng để tỏ lòng thành kính tri ân Người.

Đoàn đến thăm, dâng hoa tại Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

      Tiếp tục hành trình, Đoàn hướng ra Bắc với điểm đến là tỉnh Ninh Bình. Sáng 29/4, Đoàn đến với Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới Tràng An, được tạo nên bởi các dải núi đá vôi với nhiều hang động. Bến thuyền là nơi khởi đầu cho chuyến du ngoạn khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của Tràng An. Nơi đây,  từng chiếc thuyền nhỏ sẽ đưa du khách ngắm cảnh núi non, sơn thủy hữu tình, tham quan các di tích lịch sử như Đền Trình, Đền Trần, các ngôi đền nghìn tuổi nổi tiếng linh thiêng ở Ninh Bình…Ở đây, núi bao bọc xung quanh, ẩn dưới mỗi ngọn núi là các hang động kỳ ảo, được thông nhau bởi các thung nước chạy dài hàng cây số. Hệ thống hang động Tràng An  vô cùng đa dạng về hình thái và chủng loại.

Đoàn tham quan trên du thuyền tại Quần thể Danh thắng Tràng An

     Sau đó, Đoàn đã đến thăm Chùa Bái Đính, được xây dựng trong 10 năm (2004-2014), là quần thể chùa chiền hoành tráng với kiến trúc đồ sộ, tọa lạc trên khuôn viên 700 ha.  Ngôi chùa hội tụ nhiều kỷ lục ở Việt Nam và Châu Á. Đây là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam. Chùa được công nhận kỷ lục trồng nhiều cây bồ đề nhất, số cây hiện nay đã lên đến hàng ngàn. Bức tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất. Bộ Tượng A Nan - Ca Diếp bằng đồng lớn nhất: mỗi tượng nặng 30 tấn, cao 9m. Chuông đồng lớn nhất, nặng 30 tấn. Giếng Ngọc lớn nhất với đường kính 35m. Chùa có hành lang La Hán dài nhất với 500 vị La hán được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Tượng ông Thiện và ông Ác bằng đồng cao và nặng nhất, đặt nơi cổng tam quan Chùa Bái Đính, mỗi pho nặng 20 tấn, cao 5,2m. Pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng cao và nặng nhất, 150 tấn. Tượng Quan Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn bằng đồng dát vàng lớn nhất, nặng 80 tấn, cao 9,57m. Bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất, mỗi pho nặng 50 tấn. Bảo Tháp Chùa Bái Đính cao 13 tầng. Đây được coi là ngôi Bảo Tháp cao nhất Đông Nam Á.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Chùa Bái Đính - Ninh Bình

     Điểm dừng chân tiếp theo là Thủ đô Hà Nội thân yêu. Tối 29/4, Đoàn đã đến tham quan cảnh đẹp với không khí mát mẻ của Hồ Gươm về đêm, …và có dịp dạo đêm mua sắm trên các con phố nằm trong chuỗi 36 phố phường Hà Nội.  Sáng sớm ngày 30/4, đoàn đã vinh dự chứng kiến các chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nghi lễ chào cờ tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội. Điều đặc biệt khiến nhiều người xúc động vì đã được chứng kiến Lễ Chào cờ tại đây vào đúng ngày 30/4 lịch sử. Trong giây phút trang nghiêm đó, tất cả mọi người đã đứng nghiêm cất cao lời bài hát Quốc ca. 

Đội Tiêu binh, theo hiệu lệnh, tiến
về phía cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 30/4/2015

     Đoàn tham quan của Bệnh viện đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...  Sau đó, đoàn thăm Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi Bác đã sống và làm việc trong 15 năm, từ 1954 đến 1969. Tại đây, Đoàn đã tận mắt xem nhiều tài liệu, hiện vật trong hàng nghìn tài liệu, hiện vật lưu niệm về Hồ Chủ tịch đang được bảo quản và trưng bày phục vụ khách tham quan. Chùa Một Cột cũng là nơi đoàn  dừng chân. Ngôi chùa có kết cấu bằng gỗ, trong chùa đặt tượng Phật Bà Quan Âm. Hình ảnh Đài Liên Hoa hình vuông mái ngói, bốn gốc uốn cong, trên có Lưỡng Long chầu nguyệt đã ghi đậm trong tâm trí của các thành viên trong Đoàn.

Đoàn Bệnh viện Tâm thần Huế chụp ảnh lưu niệm tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 30.4.2015

     Nối tiếp, ngày 30/4, đoàn đã đến tham quan  Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của Thủ đô Hà Nội, là tổ hợp gồm hai di tích: Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An - người Thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam; Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một khu di tích lịch sử mang ý nghĩa biểu trưng cho tiến trình phát triển văn hóa Việt Nam, là một bằng chứng về sự đóng góp của Việt Nam vào nền văn minh Nho giáo trong khu vực và nền văn hóa mang ý nghĩa nhân văn của nhân loại.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại  Chùa Một Cột

     Sau quãng đường dài 300 km xuất phát từ Hà Nội,  chiều 30/4, Đoàn đã có mặt tại Bãi biển Cửa Lò (thị xã Cửa Lò – Nghệ An). Đây là nơi đổ ra biển của hai con sông Cấm và sông Lam. Nơi đây có bờ biển dài 12 km, trong đó, hơn 8 km liên tục là bãi cát trắng, phẳng mịn, độ dốc thoai thoải, là một trong những bãi biển đẹp của vùng Bắc Trung Bộ. Tại đây, mọi người tắm mình trong dòng nước biển trong xanh, sóng vừa phải, độ mặn thích hợp, là những đặc điểm mà không phải bãi tắm nào cũng có...

     Sáng ngày 01/5, Đoàn đến tham quan Khu Di tích lịch sử văn hoá Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đoàn lần lượt tham quan làng Hoàng Trù (quê ngoại của Bác) - nơi Bác kính yêu đã cất tiếng khóc chào đời. Mọi người cảm nhận được không gian ngập tràn màu xanh cây cối, giản dị, bình yên, và làng Kim Liên (Làng Sen), quê nội của Bác Hồ. Quê nội - nơi đã từng gắn bó với nhiều kỷ niệm tuổi thơ của Bác. Đến đây, các thành viên trong đoàn cũng không quên mua sắm một vài đặc sản của quê hương Nam Đàn làm quà kỷ niệm cho bạn bè, người thân.Tuy đời sống kinh tế phát triển hơn, nhưng Kim Liên, Nam Đàn ngày nay vẫn giữ được cho mình những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc, những hình ảnh xưa cũ của làng Sen gắn liền với tuổi thơ của Bác vẫn được lưu giữ đến bây giờ như một miền ký ức đẹp và là tấm gương sáng cho mọi thế hệ mai sau.

Đoàn tham quan Bệnh viện Tâm thần Huế (đội mũ xanh) nghe hướng dẫn viên
thuyết minh về Khu Di tích lịch sử văn hoá Kim Liên, Nam Đàn

    

Đoàn đến thăm Làng Sen, quê Bác

     Tạm chia tay quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi trở về Huế, Đoàn Bệnh viện Tâm thần Huế cũng đã đến thăm, đặt vòng hoa và thành kính thắp nén hương thơm tại phần mộ Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác, cách làng Sen chừng 5km, để tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn người đã suốt đời hy sinh vì Bác.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại phần Mộ Bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu Bác

     Trên xe trở về Huế, với tinh thần hào hứng, phấn khởi, các thành viên trong Đoàn đã sinh hoạt giao lưu truyền thống "Tiếng hát Ngành Tâm thần Thừa Thiên Huế mừng đất nước  40 năm thống nhất " và không quên hát vang bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Đoàn tham quan sinh hoạt giao lưu văn nghệ

     Kết thúc chuyến tham quan nghỉ dưỡng, cán bộ viên chức Bệnh viện đã được biết thêm một số địa danh nổi tiếng của quê hương, danh nhân lịch sử của dân tộc … Nhưng hơn hết, điều mà Lãnh đạo Bệnh viện mong mỏi là,  sau chuyến đi, trong từng mỗi một viên chức, lòng yêu quê hương đất nước được hun đúc thêm, truyền thống đoàn kết quý báu của cán bộ đảng viên Bệnh viện Tâm thần Huế luôn được tiếp tục giữ gìn và vun đắp; tình cảm gắn bó, thông cảm, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau ngày càng được dâng tràn.

     Mọi người hãy luôn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, chung sức, chung lòng xây dựng Bệnh viện Tâm thần Huế ngày càng lớn mạnh và phát triển lên tầm cao mới!

Một số hình ảnh đặc trưng tiêu biểu trong chuyến đi của Đoàn tham quan Bệnh viện Tâm thần Huế:

      - Cụm di tích Hoàng Trù nằm gọn trong khuôn viên rộng khoảng 3500 m2, bao gồm: Ngôi Nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, ngôi nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại Bác), ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Đây là một ngôi nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, trên đất vườn của ông bà ngoại, cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới năm lên 5 tuổi. Nơi đã gắn bó những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ và cũng đầy gian khó, nhọc nhằn của Người cùng ông bà, cha mẹ, các anh chị em.

     Tại gian nhà này, cụ Hoàng Đường thường qua đây đàm đạo với ông Sắc về văn chương, chữ nghĩa. Gian giữa, sát phên, có chiếc giường nhỏ bằng gỗ xoan, liếp nứa, trải chiếu mộc, chiếc màn bằng vải nhuộm nâu là nơi nghỉ của ông Sắc và bà Loan. Sát bên chiếc giường là chiếc rương gỗ nhỏ dùng đựng lương thực và các vật quí của gia đình. Chiếc khung cửi đặt ở gian thứ ba là công cụ lao động của bà Loan dùng để dệt vải, dệt lụa nuôi sống cả nhà. Bà Hoàng Thị Loan vừa dệt vải vừa hát ru con để chồng yên tâm việc bút nghiên. Tại đây, còn có chiếc võng gai đơn sơ, nơi xưa kia tuổi ấu thơ Bác Hồ đã thường nằm nghe tiếng à ơi của mẹ và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại. Tuổi thơ của Người đã được mẹ và bà ngoại chăm sóc, vun đắp bằng những làn điệu dân ca bay bổng chứa đựng những ước mơ cao đẹp, hy vọng sâu xa.

     - Làng Sen - quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một làng quê thơm ngát hương sen, đó chính là nơi người đã sống trong thời niên thiếu (1901-1906).  Tới cụm di tích Làng Sen, mọi người sẽ được vào thăm ngôi nhà lá 5 gian mộc mạc do bà con làng Sen quyết định xuất quỹ công dựng lên để mừng ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc năm xưa. Hiện nay, các kỷ vật trong gian nhà của cụ Sắc còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn. Hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ Phó Bảng và hai con trai. Chiếc giường xinh xinh là của bà Thanh, con gái cụ. Chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen vẫn còn nguyên đó. Đến đây mọi người còn được xem lại: lò rèn Cố Điền; nhà cụ Cử Vương Thúc Quý; nhà của cụ đồ nho; nhà của một lương y bốc thuốc Nam với dao cầu; Nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội của Bác; các di tích cây đa, giếng Cốc; Khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và Nhà Tưởng niệm Bác Hồ. Những cảnh quan và hiện vật quá đỗi thân thuộc, dung dị của lũy tre làng, đường đất nhỏ, se sợi, khung cửi, bờ dâu... cùng các hiện vật trong khu di tích, gắn liền với hình ảnh Bác Hồ, như vẫn còn đọng lại trong đó hơi ấm của Người.

    - Khu mộ là ngôi mộ của Bà Hoàng Thị Loan được xây dựng từ ngày 19/5/1984 đến ngày16/5/1985. Nhìn tổng quát, ngôi mộ có hình một khung cửi khổng lồ. Xung quanh ngôi mộ được ốp bằng những phiến đá hoa cương và đá cẩm thạch. Nóc mộ được phủ lên bằng những hòn đá tự nhiên của núi Đại Huệ, phía trên có dàn bê tông che chắn có hình khung cửi được phủ đầy hoa giấy. Tại nền sân thượng hình bán nguyệt trước ngôi mộ, có dựng một tấm bia lớn tạc tiểu sử và công lao của Bà Hoàng Thị Loan bằng đá đen. Hai bên tả hữu là đường đi lên và đường đi xuống được làm thành nhiều bậc đá khác nhau giống như hai giải lụa đào xõa xuống từ khung cửi. Từ chỗ chỉ đơn thuần là một ngôi mộ thì khu vực này đã được đầu tư xây dựng thành một khu tưởng niệm rộng lớn, liên kết với Khu Di tích Kim Liên, Khu Lăng mộ Mai Hắc Đế, tạo thành một quần thể di tích lịch sử. 

Tin bài, ảnh: Lê Đình Thống

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 1.703.947
Truy câp hiện tại 414