Giờ đây, các nhà khoa học khẳng định rằng tâm trạng vui tươi có tác dụng hồi phục sức khỏe – kết luận được rút ra từ những nghiên cứu trên nhiều loại bệnh khác nhau, từ cảm cúm cho đến HIV, rằng suy nghĩ tích cực của người bệnh có thể tác động tích cực đến hệ miễn dịch của người đó và làm tăng tốc độ lành bệnh hoặc phục hồi vết thương của người đó.
“Đề cập đến vấn đề sức khỏe,” – tiến sĩ Seligman tiếp lời – “Có 4 điều mà chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được: quyết định từ bỏ hút thuốc hoặc những thói quen có hại cho sức khỏe, cam kết vận động để rèn luyện thân thể, chất lượng và chế độ ăn uống, và mức độ lạc quan của chúng ta. Trong đó, tinh thần lạc quan là quan trọng hơn cả.”
Khoa học chưa khám phá ra cơ chế sinh học đầy đủ của quá trình tác động của cảm xúc đối với sức khỏe thể chất, nhưng có một điều đã được đúc kết và khẳng định: Những cảm xúc tiêu cực như stress, buồn bực và lo lắng có thể ngăn chặn quá trình tiết ra cortisol – một loại hormone có tác dụng đảm bảo hoạt động của hệ miễn dịch.
Sau đây là những lời khuyên được đúc kết từ những nghiên cứu khoa học gần đây về việc làm thế nào để luôn sống vui khỏe.
1. Hãy thể hiện bản thân
Khi bạn cho phép đầu óc của mình được khuây khỏa, những điều tốt đẹp sẽ đến. Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Psychosomatic Medicine báo cáo rằng một nhóm bệnh nhân HIV được yêu cầu viết nhật ký trong 30 phút một ngày, và thực hiện điều này trong vòng 4 ngày liên tiếp. Sau đó các bác sĩ khám phá ra rằng các bệnh nhân này biểu hiện khả năng đề kháng tốt hơn, thông qua hiện tượng tăng số lượng bạch cầu đề kháng bệnh tật trong máu. Một nghiên cứu khác – được đăng trên tạp chí Journal of Consulting và Clinical Psychology – cho thấy những bệnh nhân ung thư vú có thói quen hay tâm sự hoặc chia sẻ những vấn đề về bệnh tật sẽ không phải gặp bác sĩ thường xuyên như những bệnh nhân không có thói quen này.
2. Áp dụng các bài tập thiền
Hầu hết chúng ta đều đã từng nghe nói đến thiền và những lợi ích của nó đối với tinh thần con người, nhưng các nhà khoa học khám phá ra một bằng chứng còn cụ thể hơn: Trong một nghiên cứu của trường đại học UCLA, 61 người trung niên được yêu cầu tham gia một lớp học Thái cực quyền 3 buổi một tuần, trong khi 61 người khác đi học lớp chăm sóc sức khỏe. Sau 4 tháng, các nhà khoa học dùng nhiều phương pháp thực nghiệm để kiểm tra tình trạng sức khỏe của cả hai nhóm, và phát hiện ra rằng nhóm người đi học Thái cực quyền có khả năng miễn dịch cao gấp đôi so với nhóm kia. “Có vẻ như chính tính chất thiền của môn Thái cực quyền đã tạo ra hiệu ứng tích cực đó.” – phát biểu của Michael R. Irvin, tác giả công trình nghiên cứu này – “Điều đó có nghĩa là những môn thể thao hoặc hoạt động khác có tính chất thiền, như yoga chẳng hạn, cũng sẽ giúp đạt được hiệu quả tương tự.”
3. Nếu cần giúp đỡ, hãy mạnh dạn chia sẻ
Trong một nghiên cứu của Trường Đại Học Nottingham, các nhà khoa học theo dõi tốc độ phục hồi của 93 bệnh nhân bị lở loét bàn chân – một triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường. Sau 6 tháng, kết quả cho thấy những bệnh nhân hay trầm cảm, bi quan, không thích nghi được với bệnh tình của mình là những người hồi phục chậm nhất, thậm chí không có tiến triển nào. Dựa trên kết quả này, trường Nottingham đã thành công trong việc xây dựng một chương trình trị liệu mới dành riêng cho các bệnh nhân tiểu đường. “Chúng tôi mong muốn chương trình trị liệu này sẽ giúp giảm nguy cơ tái lở loét ở bệnh nhân.” – tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Kavita Vedhara, phát biểu.
4. Bạn hiền quanh đây
Tiến sĩ Sheldon Cohen là giáo sư tâm lý học của Trường Đại học Carnegie Mellon và là một chuyên gia nghiên cứu về mối liên hệ giữa sức khỏe và các mối quan hệ xã hội. Trong một công trình nghiên cứu của ông, 276 người được cho tiếp xúc với một loại virus cảm thông thường. Không quá ngạc nhiên khi kết quả cho thấy những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh gấp 3 lần những người không hút. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là nhóm nhiễm bệnh nhiều nhất trong số các đối tượng nghiên cứu lại chính là những người có ít mối quan hệ xã hội nhất – họ dễ mắc bệnh gấp 4.2 lần so với người hút thuốc. Theo tiến sĩ Cohen, nguyên nhân là do những người có nhiều bạn bè hoặc nhiều mối quan hệ xã hội thường có cuộc sống vui vẻ và ít bị stress, nên khả năng đề kháng bệnh tật của họ cũng tốt hơn.
5. Luôn suy nghĩ tích cực
Trong một nghiên cứu khác của tiến sĩ Cohen, ông đánh giá mức độ cảm xúc tích cực – gồm 3 cảm xúc vui sướng, điềm tĩnh, và sôi nổi – trên 193 đối tượng nghiên cứu. Lần nữa, ông cho những người này tiếp xúc với một virus gây bệnh thông thường, và phát hiện ra rằng những người có mức độ cảm xúc tích cực thấp có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần.
Để kết luận vấn đề này, xin mượn một câu nói rất ý nghĩa của tiến sĩ Lara M. Stepleman, giáo sư về hành vi sức khỏe và tâm thần của Trường Y Dược Georgia: “Tất cả chúng ta đều có quyền chọn cho mình một lối sống lành mạnh, bằng cách luôn suy nghĩ và tư duy tích cực. Và đây là điều hoàn toàn có thể tự rèn luyện được.”./.
Biên dịch: PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN (theo oprah.com)
Sưu tầm: CNTL Trần Thị Hồng Phương