Các BS Bệnh viện Tâm thần Huế khám điều tra sức khỏe tâm thần tại thị trấn Sịa - Quảng Điền
Muốn có một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái, cần có chất lượng nuôi sống tốt, có sự cân bằng và hoà hợp giữa các cá nhân, người thân chung quanh và môi trường xã hội. Đồng thời, phải có chất lượng cuộc sống tốt.
Tuy vấn đề SKTT đang gây ra gánh nặng lớn về kinh tế - xã hội, nhưng vẫn còn 40% các quốc gia trên thế giới chưa có chính sách rõ ràng về SKTT, thậm chí trên 30% chưa có chương trình SKTT. Ước tính trên thế giới có khoảng 400 triệu người đang chịu đựng các rối loạn tâm thần (RLTT) hoặc các vấn đề tâm lý xã hội, như lạm dụng rượu và ma tuý. Ở Việt Nam, ước tính có 300.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt (TTPL), 270.000 người bị động kinh (ĐK) và 2.000.000 người bị rối loạn trầm cảm (RLTC) các thể. Nghiên cứu trên một số vùng sinh thái khác nhau tại Thừa Thiên Huế, tỷ lệ 10 RLTT thường gặp chiếm 11,84% dân số, trong đó: TTPL: 0,31%; ĐK: 0,15%; RLTC: 1,94%; rối loạn lo âu: 3,25%. Theo điều tra của Viện Tâm lý học quốc gia gần đây, từ 12 - 13% trẻ em Việt Nam (trong độ tuổi 6 - 16), tức khoảng 2,7 triệu trẻ em và vị thành niên trên toàn quốc có những biểu hiện về RLTT một cách rõ rệt. Còn theo nghiên cứu tại một số phường nội thành, TP Huế, rối loạn hành vi của thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ 2,73% dân số trong độ tuổi 10-17, nam chiếm 5,28%, nữ 0,29% dân số.
Để từng bước giải quyết bệnh tâm thần ngày càng gia tăng, nhân Ngày SKTT thế giới lần thứ 7 (10-10-1998), Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định bổ sung mục tiêu bảo vệ SKTT cộng đồng (ưu tiên bệnh tâm thần phân liệt) vào chương trình phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS. Ngày 17-6-2003, trước tình hình tăng nhanh của một số bệnh thuộc mô hình bệnh tật của nước công nghiệp ở nước ta; một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 77/2002/QĐ - TTg về chương trình phòng chống một số bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2002-2010, bao gồm các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và rối loạn SKTT (ĐK, RLTC). Hiện nay, trong giai đoạn 2012-2015, đang triển khai dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em thuộc dự án 1 “Phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng”.
Đến tháng 9-2014, tỉnh ta đã triển khai dự án tại 152 xã TTPL/152 xã, 105 xã ĐK, 2 xã RLTC và quản lý 5.233 bệnh nhân, bao gồm 3.147 người bị TTPL, 2004 người bị ĐK (trong đó, có 233 trẻ em), 82 người bị RLTC. Ngoài ra, còn có 530 bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa được quản lý điều trị tại 15 phường, xã thuộc huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy và TP Huế do dự án BasicNeeds (Vương quốc Anh) tài trợ. Hàng năm, có trên 75% bệnh nhân các loại được điều trị thuyên giảm và phục hồi chức năng tâm lý xã hội loại tốt trở lên.
Khoa Tâm lý lâm sàng của Bệnh viện Tâm thần Huế đã ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên khoa mới, như trắc nghiệm tâm lý và liệu pháp tâm lý (thư giãn, liệu pháp cảm xúc hành vi hợp lý, kích hoạt hành vi…), liệu pháp âm nhạc, liệu pháp hoạt động… để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị các RLTT có hiệu quả. Đơn nguyên tâm thần nhi cũng được đưa vào hoạt động, bước đầu nhận điều trị trẻ động kinh, tự kỷ và một số RLTT khác.
Theo định nghĩa về SKTT, bảo vệ SKTT cộng đồng là một mục tiêu rất lý tưởng, không thể nhảy vọt ngay lên đỉnh chót, mà phải leo dần từng bậc thang mới đạt được. Để thực hiện được mục tiêu mang tính nhân văn này, ngành tâm thần nước ta cần kiến nghị thành lập Uỷ ban Quốc gia bảo vệ SKTT, tiến đến xây dựng Luật SKTT như một số nước trong khu vực đã ban hành, tạo điều kiện huy động toàn dân tích cực tham gia phòng chống có hiệu quả các RLTT ưu tiên như TTPL, ĐK, RLTC... từng bước tiến đến bảo vệ SKTT cho cộng đồng góp phần thực hiện thành công mục tiêu sức khoẻ cho cả người trưởng thành và trẻ em.
ThS. BS. Tôn Thất Hưng
Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Huế
(Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế ngày 10.10.2014)