Tìm kiếm
-
-

Bạn đánh giá webssite của bệnh viện như thế nào?
Stress và giải pháp ứng phó với stress
Ngày cập nhật 29/09/2014

     Trong cuộc sống xã hội hiện đại, mỗi chúng ta không chỉ đương đầu với những khó khăn trong học tập, công việc, trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè mà còn phải đương đầu với những áp lực khác nhau từ phía xã hội, từ những thông tin mà chúng ta phải tiếp nhận hằng ngày. Vậy stress là gì, đâu là những nguồn chủ yếu gây nên stress, các triệu chứng của stress là như thế nào với cách ứng phó ra sao. Bài viết này sẽ đề cập đến những nội dung trên.

Stress là phản ứng của cơ thể trước bất cứ một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố tác động nào đe dọa đến sự tồn tại lành mạnh của con người cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nguyên nhân

         Thông thường có bốn nguồn gây stress

     - Môi trường bên ngoài: Thời tiết, tiếng ồn, giao thông, bụi, và sự ô nhiễm.

     - Những căng thẳng từ xã hội và gia đình: Thời hạn của công việc phải hoàn thành, các vấn đề tài chính, công việc, các bài trình bày, mâu thuẫn, yêu cầu về thời gian và sự tập trung sức lực vào công việc hay gia đình, mất mát người thân, mâu thuẫn trong gia đình, bạn bè…

     - Các vấn đề về thể chất: Thay đổi cơ thể, ốm đau, không đủ chất dinh dưỡng…

     - Suy nghĩ của các bạn: Đôi khi, cách chúng ta suy nghĩ hay phiên giải những điều đã hoặc sẽ xảy ra đem đến cho chính mình rất nhiều căng thẳng. Thường đó là những suy nghĩ tiêu cực. Ví dụ: nếu trượt đại học, thất nghiệp, tương lai của tôi thật mù mịt; nếu tôi không làm được thì mọi người sẽ cười chê tôi,…

Triệu chứng

Những triệu chứng của stress rất đa dạng với mỗi cá nhân riêng biệt. Sau đây là một số triệu chứng cơ bản: 

Những biểu hiện về mặt cảm xúc

             - Cảm thấy khó chịu

             - Cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng

             - Cảm thấy buồn bã

             - Cảm thấy chán nản, thờ ơ

             - Cảm thấy đánh mất giá trị bản thân

Những biểu hiện về hành vi

             - Nổi cáu, bực bội hoặc nóng tính

             - Sử dụng các chất kích thích như rượu hoặc thuốc lá

             - Xáo trộn các sinh hoạt hàng ngày như ăn uống hoặc giấc ngủ của bạn 

             - Bỏ qua những hành vi thông thường, mất tập trung

             - Trở nên vô lý trong những quyết định của mình

             - Hay quên hoặc trở nên vụng về

             - Luôn vội vàng và hấp tấp

             - Ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít.

Những triệu chứng về thể chất

             - Đau đầu

             - Căng hoặc đau cơ bắp

             - Đau bụng 

             - Đồ mồ hôi

             - Cảm thấy chóng mặt 

             - Rối loạn tiêu hóa

             - Khó thở hoặc đau ngực

             - Khô miệng

             - Ngứa trên cơ thể

             - Có vấn đề về tình dục. 

     Nếu bạn có một số những biệu hiện trên đây, có thể bạn đang trải qua stress cấp tính. Trong trường hợp stress kéo dài, bạn có thể gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn về mặt sức khỏe như: đau tim, tăng huyết áp, trầm cảm, bị sốc, bị đau nửa đầu, lo âu, bị hen, suy giảm hệ miễn dịch, đau dạ dày và rối loạn giấc ngủ.  

Khi stress trở thành vấn đề

            - Vì stress là một phần của cuộc sống, hàng ngày bạn luôn chịu một lượng stress nhất định. Nhưng stress chỉ trở nên là vấn đề khi nó ở mức độ cao trong một thời gian dài hoặc khi bạn gặp phải rất nhiều vấn đề căng thẳng trong một thời gian ngắn.

            - Khi các triệu chứng của stress tăng lên, cơ thể của bạn phải làm việc vất vả hơn để đối phó với chúng. Năng lượng bị tiêu tốn để duy trì huyết áp bình thường, giảm lo âu. Bên cạnh đó những hoàn cảnh thực tế lại yêu cầu bạn phải tập trung sức lực và tâm trí để ứng phó. Nếu tình huống đó kéo dài, cơ thể bạn sẽ dẫn đến tình trạng kiệt sức nhanh chóng. Chính vì vậy, bạn cần phải học cách thư giãn và ứng phó hợp lý để giữ cơ thể ở trạng thái cân bằng.

Các giải pháp đối phó với stress

Hãy tự hỏi bạn sẽ đối phó như thế nào với stress, thay vì luôn dằn vặt mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ như thế nào.

Vậy bạn nên đối phó với stress bằng cách nào?

     - Quan sát: Hãy xem xung quanh bạn có điều gì mà bạn có thể thay đổi để xoay chuyển tình hình khó khăn. Hãy tìm cách thoát khỏi cảm giác khủng hoảng bằng cách nghỉ ngơi, thư giãn, tặng cho bản thân một thời gian nghỉ ngắn mỗi ngày.

     - Tránh những phản ứng thái quá: Tại sao lại phải “Ghét” khi mà “Một chút xíu không thích” là ổn rồi? Tại sao lại phải“lo cuống lên” khi mà “hơi lo một tẹo” là được? Tại sao phải Giận sôi người” khi mà “hơi giận một chút” đã đủ độ? Tại sao phải “đau khổ tột cùng khi mà bạn chỉ cần “buồn một tẹo”? Vì vậy, thử thay đối cách bạn thường phản ứng, nhưng hãy thay đổi từ từ, và có chọn lọc, từng bước một. Tập trung giải quyết một khó khăn nào đó và thử thay đổi cách bạn phản ứng trước khó khăn đó.

     - Đặt những mục tiêu cụ thể cho bản thân: Cắt bớt khối lượng công việc và điều này có thế giúp bạn tránh được việc suốt ngày phải lo nghĩ quá nhiều. Không nên làm cho bản thân mình “ngập đầu ngập cổ” bằng việc gánh nhận quá nhiều công việc cùng một lúc.

     - Không được trốn tránh bằng rượu hay thuốc: Hai thứ này sẽ chẳng giúp được gì bạn mà sẽ làm cho tình trạng stress càng trở nên trầm trọng. Hãy học cách thư giãn: xoa bóp và những bài tập thở thư giãn, thiền, yoga,... rất hữu dụng để kiếm soát stress. Những thư giãn như vậy giúp xoa bớt ưu phiền khỏi tâm trí của bạn.

      - Duy trì tập thể dục hay chơi thể thao thường xuyên: Tập thể dục giúp bạn khỏe mạnh hơn và những cảm xúc tiêu cực của bạn sẽ được giải tỏa phần nào qua những hoạt động cơ bắt.

      - Hài ước: Cố gắng sử dụng khiếu hài ước trong những tình huống khó khăn. Cười về chính bản thân mình cũng rất có lợi. " một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ" đấy.

      - Nhận ra và chấp nhận giới hạn: “Trèo cao, ngã đau”. Hãy thiết lập những mục tiêu thực tế và tính đến cả những phương án rủi ro. 

      - Duy trì chế độ ăn uống và giấc ngủ điều độ: Điều này có vẻ khó vì trong khi căng thẳng, đôi lúc bạn thực sự không muốn ăn không muốn ngủ.         Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, chính ăn và ngủ sẽ giúp bạn hồi phục sức khỏe và do đó tỉnh táo và mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết vấn đề của mình.

      - Học để lập kế hoạch: Sự thiếu tổ chức có thể gây ra căng thẳng và gây mất thời gian. Liệt kê ra những việc cần làm và thực hiện những việc nhỏ và dễ làm trước. Cảm giác hoàn thành công việc (dù là nhỏ) sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ hơn.

      - Học để chơi: Đôi khi bạn cần thoát ra những áp lực của cuộc sống và có sự vui đùa. Tìm kiếm những hoạt động hoặc giải trí mình say mê và hứng thú mà không cần quan tâm đến khả năng và trình độ của mình ở mức độ nào.

     - Độc trị độc: Nếu bạn không tránh được stress, không thoát hẳn được stress thì sử dụng stress theo một hướng tích cực. Vậy nên, hãy tự hỏi bạn sẽ đối phó như thế nào với stress, thay vì luôn dằn vặt mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ như thế nào. Stress làm tăng trí nhớ, khi stress trong thời gian ngắn và không quá nghiêm trọng. Stress khiến cơ thể sản sinh ra nhiều glucose lên não, tạo thêm nhiều năng lượng cho các nơ-ron. Điều này giúp sự phát triển trí nhớ và phục hồi trí nhớ. Mặt khác, nếu stress kéo dài thì nó lại có thể cản trở việc vận chuyển glucose và từ đó làm giảm trí nhớ.

     Điều quan trọng nhất là nếu cơn stress của bạn vượt quá mức chịu đựng và khiến bạn không thể làm được các việc khác, học tập, lao động.., thì hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý và bác sỹ. Các sản phẩm giúp đẩy lùi stress có nguồn gốc thảo dược cũng được khuyên dùng.

     Chúc bạn vượt qua stress một cách hiệu quả!

 CNTL. Trần Thị Hồng Phương

(Tổng hợp) 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 1.719.053
Truy câp hiện tại 206