Tìm kiếm
-
-

Bạn đánh giá webssite của bệnh viện như thế nào?
Lạm dụng rượu - Hiểm họa của an toàn giao thông
Ngày cập nhật 02/09/2014

 

    Điều tra tại phường Xuân Phú - TP Huế (2007), chúng tôi thấy, tỷ lệ lạm dụng rượu chiếm 2,76% dân số (nam 5,53%, nữ 0,11), nghiện rượu chiếm 0,29% (nam 0,57%, nữ 0,02). Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng của tai nạn giao thông, gây thương vong không ít cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới.

 

     Uống rượu từ lâu đã trở thành thói quen sinh hoạt của người dân. Song việc lạm dụng chúng trong bữa ăn hàng ngày hay liên hoan, tiệc tùng gây tác hại rất lớn cho sức khỏe con người. Lạm dụng rượu, đặc biệt nghiện rượu sẽ gây các bệnh về gan, tụy, dạ dày, thận, tim, thần kinh não bộ. Đối với sức khỏe tâm thần, rượu gây rối loạn trí nhớ, làm biến đổi nhân cách; ảo giác, hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị theo dõi, trầm cảm là tình trạng phổ biến ở người nghiện rượu.  

     Nhiều nghiên cứu cho thấy,  rượu không gây hưng phấn đối với vỏ não mà ngược lại, gây ức chế cả hai quá trình hưng phấn và ức chế, nhưng ưu thế tác động vào quá trình ức chế mạnh hơn, làm mất cân bằng giữa hai quá trình và cuối cùng làm cho người say rượu biểu hiện lâm sàng bằng tình trạng hưng phấn. Rượu làm mất khả năng ức chế của vỏ não đối với các trung tâm dưới vỏ, gây nên tình trạng thoát ức chế dưới vỏ, dẫn đến ở người say không kiểm soát được hành vi tác phong. Cơn say rượu có thể khiến người nghiện rượu trở nên hung dữ, giảm kiềm chế cảm xúc, dẫn đến hung hăng, đập phá tấn công người khác, không làm chủ được bản thân, gây hoặc bị tai nan giao thông khi điều khiển phương tiện xe gắn máy, ô tô. 

     Theo điều tra một số vùng sinh thái khác nhau tại Thừa Thiên Huế, nghiện rượu chiếm tỷ lệ 0,51% và  lạm dụng rượu 1,87% dân số. Nghiên cứu tại xã Lộc Tiến- Phú Lộc, chúng tôi thấy, 56,62% trường hợp nghiện rươu có yếu tố gia đình. Số liệu 11 tháng năm 2013 cho biết, tỷ lệ bệnh nhân loạn thần do rượu điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Huế là 5,3%.  Nghiên cứu về tình hình nghiện rượu và lạm dụng rượu trên 9 điểm dân cư tại Hà Nội cho thấy, có 27,84% cán bộ, công chức lạm dụng rượu và 23,29% nghiện rượu. Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia năm 2012, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến rượu, bia.

     Thời gian gần đây, những vi phạm về Luật Giao thông có biểu hiện diễn biến phức tạp, trong đó nguyên nhân liên quan đến rượu được các chuyên gia đánh giá khá nghiêm trọng. Đặc điểm của người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu là chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Do đó, say rượu thường có liên quan mật thiết với việc vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định, đi sai phần đường...

     Thực tế, số người không tự kiểm soát được hành động của mình sau khi uống rượu rất lớn.  Với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/ lít khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/lít khí thở, dễ bị ức chế, giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh… Số người bị tai nạn, thậm chí bị chấn thương sọ não do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu luôn ở mức đáng báo động.

     Luật Giao thông đường bộ quy định: cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu đối với lái xe ô tô khi tham gia giao thông và hạn chế đến mức rất thấp nồng độ cồn trong máu đối với người đi xe gắn máy. Đồng thời, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 02 tháng 4 năm 2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng quy định rõ mức xử phạt tăng nặng đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn, cụ thể: phạt 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 0,4 mg/lít khí thở; phạt  2-3 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc 0,25-0,4 mg/lít khí thở.

     Để ngăn chặn, hạn chế tệ nạn lạm dụng rượu, trước hết, Ngành Y tế và các ngành chức năng cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được tác hại, ảnh hưởng của rượu  đối với sức khỏe bản thân, cộng đồng nói chung và khi điều khiển phương tiện giao thông nói riêng. Đồng thời, cũng nên tuyên truyền mức xử phạt đối với những vi phạm nêu trên nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng,  từ đó, giúp người dân hiểu và tự nguyện “Nói không với rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông”.

 

ThS.BS. Tôn Thất Hưng

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Huế

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 1.710.339
Truy câp hiện tại 149