|
Nghiên cứu Tổn hại kinh tế do Bệnh Tâm thần phân liệt gây ra cho gia đình và xã hội tại bảy phường, thành phố Huế Ngày cập nhật 18/08/2014
Đây là Đề tài nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế y tế, đã được tiến hành cách đây gần 10 năm. Tuy chi phí khám chữa bệnh đề cập trong Đề tài không còn phù hợp với thời giá hiện nay, nhưng chúng tôi cũng xin giới thiệu để Quý Bạn đọc tham khảo. Đặc biệt, trong năm 2014, kinh phí của Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em từ Trung ương đã bị cắt giảm đến 2/3, nên trách nhiệm đối ứng của địa phương rất quan trọng để đảm bảo cho Dự án tiếp tục hoạt động.
NGHIÊN CỨU TỔN HẠI KINH TẾ DO BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT GÂY RA CHO GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI TẠI BẢY PHƯỜNG, THÀNH PHỐ HUẾ
ThS. BS. Tôn Thất Hưng*, BSCKII. Ngô Đình Thư*, BSCKI. Nguyễn Ngọc Thượt*, BSCKI. Hoàng Thị Anh Đào*, BSCKI.Châu văn Hậu*,
BSCKI. Nguyễn Thị Thanh Nở**, BSCKI. Nguyễn Thị Cẩm Quỳ***
* Bệnh viện Tâm thần Huế, ** Sở Y tế Thừa Thiên- Huế, ***TTYT TP Huế
ĐẶT VẤN ĐỀ
Tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng, tiến triển mãn tính, căn nguyên chưa rõ, có xu hướng tái phát, chiếm tỷ lệ từ 0,2 đến 1% dân số thế giới, là gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Ở Việt Nam cũng như Thừa Thiên- Huế, tâm thần phân liệt là bệnh xã hội phổ biến, theo điều tra nhiều vùng dân cư, tỷ lệ hiện mắc chiếm từ 0,3 đên 0,6% dân số.
Theo Rice, Miller (1990), tổn hại kinh tế hàng năm do bệnh tâm thần phân liệt tại Hoa Kỳ là 32,5 tỷ USD trên tổng số thiệt hại 147,8 tỷ USD do các rối loạn tâm thần gây ra. Marcotte, Wilcox (2001) cho biết, hàng năm có từ 5-6 triệu người Mỹ từ 16-54 tuổi bị mất việc hoặc không tìm được việc làm do bệnh tâm thần. Tại khu vực Magenta (Y), Fattore thông báo rằng, toàn bộ chi phí khám chữa bệnh tâm thần năm 1995 là 1.667 euro cho mỗi bệnh nhân.
Tại Việt Nam, tuy bệnh tâm thần phân liệt đã được đưa vào Dự án Quốc gia Bảo vệ Sức khoẻ Tâm thần cộng đồng, nhưng công tác phòng chống bệnh còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người dân chưa thấy hết những tổn hại kinh tế do bệnh gây ra, hoặc chỉ biết chung chung, vì hiện nay chưa có số liệu dẫn chứng cụ thể mang tính thuyết phục.
Trong những tổn hại kinh tế đó, chúng tôi chú trọng đến chi phí điều trị bệnh tâm thần phân liệt, tuy chỉ chiếm một phần so với các thiệt hại khác, nhưng có ý nghĩa về kinh tế-y tế-xã hội rất lớn: nếu được đầu tư thoả đáng cho công tác khám chữa bệnh tâm thần, sẽ làm giảm tỷ lệ tàn phế, sớm đưa họ trở lại hoà nhập cộng đồng, thông qua đó, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Nhận thấy đây là một trong những vấn đề cấp thiết nhằm cảnh báo và huy động cộng đồng quan tâm đầu tư hơn nữa cho Ngành Tâm thần; hơn nữa, cho đến nay, ở nước ta chưa có công trình nào nghiên cứu về lĩnh vực này; vì vậy, chúng tôi nghiên cứu đề tài "Nghiên cứu Tổn hại kinh tế do Bệnh Tâm thần phân liệt gây ra cho gia đình và xã hội tại bảy phường, thành phố Huế" , nhằm hai mục tiêu:
1. Khảo sát mức độ tổn hại kinh tế do bệnh tâm thần phân liệt gây ra cho gia đình và xã hội tại 7 phường, thành phố Huế ở hai giai đoạn trước và sau khi quản lý Dự án Bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng.
2. Xác định một số yếu tố liên quan đến tổng chi phí điều trị bệnh tâm thần phân liệt.
CHƯƠNG I
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.1 Đối tượng
1.1.1. Đối tượng nghiên cứu
Tất cả bệnh nhân tâm thần phân liệt (TTPL) được chẩn đoán theo Bảng Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD 10) có hồ sơ quản lý tại các phường nghiên cứu từ trước tháng 8 năm 2003 cho đến thời điểm điều tra (tháng 8 năm 2005) và người giám hộ (NGH).
1.1.2. Địa bàn nghiên cứu
Bảy phường nội thành thành phố Huế quản lý (QL) Dự án Bảo vệ Sức khoẻ Tâm thần cộng đồng (DABVSKTTCĐ).
1.2. Phương pháp nghiên cứu
1.2.1.Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích.
1.2.2. Phương pháp chọn mẫu và cỡ mẫu
Mẫu thuận tiện, cỡ mẫu: n =144
1.2.3. Kỹ thuật thu thập số liệu
1.2.3.1. Hỏi, ghi phiếu câu hỏi, tham khảo hồ sơ, khám lâm sàng và quan sát
Hỏi bố mẹ hoặc NGH của bệnh nhân ghi vào phiếu câu hỏi, khám lâm sàng để xác định các yếu tố bệnh lý, đồng thời tham khảo hồ sơ, bệnh án, quan sát môi trường để đối chiếu với lời khai.
1.2.3.2. Chẩn đoán TTPL
Chẩn đoán bệnh và thể bệnh TTPL theo ICD 10.
1.2.3.3. Khảo sát mức độ tổn hại kinh tê (THKT) (tính trung bình/BN/năm theo thời giá năm 2005) có so sánh ở 2 giai đoạn trước và sau quản lý dự án (12 tháng qua).
- Chi phí (CP) khám chữa bệnh tại cơ sở y tế nội ngoại trú công lập hay tư nhân, CP cúng bái để chữa trị. Đơn vị tính: đồng.
- Mất khả năng lao động của bệnh nhân (BN) và nghỉ việc của người chăm sóc: tiền công lao động phổ thông trung bình (TB) tại thành phố Huế năm 2005 là 25.000đ/ ngày.
- THKT do BN phá hoại tài sản.
1.2.3.4. Xác định một số yếu tố liên quan đến CP điều trị bệnh của gia đình (GĐ) và Nhà nước
Từ năm 2001-2005, hộ nghèo ở đô thị là hộ có thu nhập dưới 150.000đ/người/tháng (theo Quyết định số 1143/ 2000/ QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội).
1.2.4. Công cụ thu thập thông tin
Dùng phiếu câu hỏi, bệnh án, giấy ra viện, các đơn thuốc, hoá đơn chi.
1.2.5.Xử lý số liệu
Sử dụng phần mềm EPI INFO 6.04, phương pháp thống kê y học: test , trung bình cộng M chỉ tính trên những BN có hao tốn, độ lệch chuẩn SD, sai số chuẩn SE.
CHƯƠNG II
KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
2.1. Số BN được điều tra
Bảng 2.1. Số bệnh nhân TTPL được điều tra tại 7 phường thành phố Huế
2.2. Giới
Nam: 94 (65,3%), Nữ :50 (34,7%), kết quả này phù hợp với tình hình dịch tễ bệnh TTPL trên thế giới và trong nước.
Biểu đồ 2.1. Phân bố giới của TTPL
2.3.Nghề nghiệp hiện tại
Bảng 2.2. Phân bố nghề nghiệp hiện tại của BN tâm thần phân liệt
Biểu đồ 2.2. Phân bố nghề nghiệp của bệnh nhân TTPL
Hiện tại, đa số BN đều không có việc làm, mất sức (66,7%), kế đó là lao động phổ thông (12,5%). Thật khó phân loại mất khả nămg lao động hay không có việc làm, vì trên thực tế, nhiều bệnh nhân đã phục hồi chức năng lao động, nghề nghiệp tốt nhưng vẫn không tìm được việc làm có thu nhập vì còn nhiều thành kiến của xã hội đối với bệnh tâm thần.
2.4. Tổn hại kinh tế
2.4.1. CP điều trị nội trú TB/BN/năm
Bảng 2.3. CP điều trị nội trú TB/BN/năm
Số BN có điều trị nội trú ít nhất một lần trong thời gian nhiều năm trước quản lý (TQL) cao hơn hẳn số BN có điều trị một năm sau quản lý (SQL): 64,6% so với 9,7% (chỉ tính tròn 12 tháng trước điều tra), đây là điều tất nhiên.
So sánh với trước quản lý, CP điều trị nội trú TB trên một BN trong một năm SQL giảm 34,5%. So với tổng CP điều trị, TQL, CP điều trị nội trú chiếm 51,0%, SQL, chiếm 97,7 % (bảng 2.4.4). CP này bao gồm: tiền thuốc, xét nghiệm thông thường được bao cấp; ngoài ra, BN phải tự túc thuốc đặc trị, xét nghiệm cao cấp, tiền giường, CP đi lại và các khoản khác. Theo Crown (Mỹ), CP bảo hiểm y tế điều trị nội, ngoại trú cho mỗi BN TTPL trong 3 năm 1991- 1993 là 15.805 USD (246.558.000 đồng Việt Nam). Đó là một vài số liệu để tham khảo thêm, vì thật là khập khiễng khi đem so sánh mức CP y tế ở Việt Nam với các nước phát triển, bởi lẽ còn quá nhiều điểm cách biệt về đời sống kinh tế xã hội giữa hai nước.
2.4.2 CP điều trị y tế tư nhân TB/BN/năm
Bảng 2.4. CP điều trị y tế tư nhân TB/BN/năm
So với tổng CP điều trị TB/BN/năm (bảng 2.4.4), CP điều trị y tế tư nhân TQL chiếm 43,1%; SQL chiếm 81,0%. Bảng 2.4.2 cho thấy, SQL, CP điều trị tư giảm 37,2% vì hầu hết BN đều chỉ uống thuốc của dự án được cấp phát miễn phí.
2.4.3. CP cúng bái để chữa trị TB/BN/năm
Bảng 2.5. CP cúng bái để chữa trị TB/BN/năm
SQL, CP cúng bái TB/BN/năm giảm 8,0%. Điều này cho thấy, công tác giáo dục sức khoẻ tâm thần cho GĐ và cộng đồng đã từng bước phát huy hiệu quả.
2.4.4. Tổng CP điều trị TB/BN/năm
Bảng 2.6. Tổng CP điều trị TB/BN/năm
Tổng CP điều trị TB trên một BN trong một năm TQL chiếm tỷ lệ 19,5% và SQL chiếm 9,23% tổng THKT (bảng 2.4.8). Nhìn chung, GĐ tốn kém nhiều trước khi QL, chủ yếu cho điều trị nội trú, còn Nhà nước lại tốn kém không ít sau khi BN được QL điều trị, chứng tỏ tính xã hội hoá trong khám chữa bệnh TTPL mặc nhiên đã được thể hiện, chứ không chỉ do Nhà nước bao cấp.
2.4.5. Thiệt hại kinh tế do phá hoại tài sản TB/BN/năm
Bảng 2.7. Thiệt hại kinh tế do phá hoại tài sản TB/BN/năm
TQL, có 39,6% BN phá tài sản gây thiệt hại, sau khi được quản lý, tuy số BN có hành vi gây THKT giảm thiểu (16%), nhưng giá trị thiệt hại do họ phá hoại tài sản của GĐ và cộng đồng vẫn cao, gía trị thiệt hại TB/BN/năm tăng 119,6%. Thường những BN này đều tiến triển dai dẳng, đề kháng với thuốc điều trị thông thường.
2.4.6. Công chăm sóc trung bình/BN/năm
Bảng 2.8. Công chăm sóc TB/BN/năm
SQL, vẫn còn 31,2% BN cần người nhà nghỉ việc để chăm sóc, nhưng số ngày công TB/ năm mà GĐ bỏ ra chăm sóc BN lại cao hơn và giá trị mất đi tăng 43,1% so với TQL. Đây là những bệnh nặng, dù đã được quản lý nhưng BN hay tái phát phải nhập viện, hoặc thường có rối loạn hành vi khiến GĐ phải luôn cảnh giác như: đi lang thang, phá hoại tài sản, toan tự sát...
2.4.7. Mất khả năng lao động trung bình /BN/năm
Bảng 2.9. Mất khả năng lao động trung bình/BN/năm
Đây là THKT lớn nhất do bệnh TTPL gây ra, chiếm 69,9% tổng THKT (xem bảng 3.4.8). Nguyên nhân chính là do người bệnh tàn tật, nhưng bên cạnh đó, họ không tìm được việc làm vì thành kiến của xã hội dù đã được điều trị thuyên giảm và phục hồi chức năng tốt. SQL, tuy đa số BN đã được phục hồi chức năng tâm lý xã hội (PHCNTLXH) loại tốt, trở lại hoà nhập cộng đồng, nhưng vẫn còn 91, 0% không lao động kiếm được tiền. Theo Trần Văn Cường, SQL, tỷ lệ BN TTPL được PHCNTLXH loại tốt chiếm 70%, tương tự với kết quả của chúng tôi (72,8%). Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay, người bệnh TTPL kiếm được việc làm có thu nhập là điều không dễ dù là hành nghề cũ trước khi mắc bệnh. Đây là vấn đề Nhà nước cần nghiên cứu để tổ chức hướng nghiệp và tạo công ăn việc làm cho người bệnh khi họ được phục hồi tốt.
2.4.8.Tổng tổn hại kinh tế TB/BN/năm
Bảng 2.10.Tổng tổn hại kinh tế TB/BN/năm
Tổng THKT trung bình/BN/năm SQL giảm đáng kể (22,1%) so với TQL, đó là hiệu quả thiết thực về kinh tế xã hội của DABVSKTTCĐ sau nhiều năm triển khai tại Thừa Thiên - Huế.
2.5. Một số yếu tố liên quan
2.5.1.Liên quan giữa hoàn cảnh kinh tế GĐ và tổng CP điều trị TB/BN/năm TQL
Bảng 2.11.Hoàn cảnh kinh tế GĐ và tổng CP điều trị TB/BN/năm TQL
=0,08. Sự liên quan không có ý nghĩa thống kê (p> 0,05), nói khác đi, dù GĐ ở vào hoàn cảnh nào kinh tế nào chăng nữa, nhân dân và Nhà nước đều phải có trách nhiệm trang trải một khoản ngân sách nhất định để chữa trị cho người bệnh.
2.5.2 Liên quan giữa trình độ học vấn của NGH và tổng CP điều trị TB/BN/ năm TQL
Bảng 2.12.Trình độ học vấn của NGH và tổng CP điều trị TB/BN/ năm TQL
= 4,39. Sự liên quan này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Trình độ học vấn của NGH càng cao, họ càng quan tâm đầu tư để chữa trị bệnh cho con em mình.
2.5.3 Liên quan giữa nhận thức GĐ về bệnh TTPL và tổng CP điều trị TB/BN/ năm SQL
Bảng 2.13 Nhận thức GĐ về TTPL và tổng CP điều trị TB/BN/ năm SQL
= 0,68. Sự liên quan trên không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Từ Bảng 2.5.3, ta thấy chỉ 2 GĐ (1,4%) có nhận thức sai hoàn toàn, còn đa số đều nhận thức đúng hoàn toàn hoặc một phần về bệnh TTPL do họ thường xuyên được giáo dục sức khoẻ thông qua sinh hoạt định kỳ của Tổ Gia đình BN tại các phường QL dự án.
2.5.4. Liên quan giữa hoàn cảnh kinh tế GĐ và điều trị nội trú TQL
Bảng 2.14. Liên quan giữa hoàn cảnh kinh tế GĐ và điều trị nội trú TQL
Biểu đồ 2.3. Tình hình điều trị nội trú của bệnh nhân TTPL trước QL
= 5,06. Liên quan giữa thu nhập GĐ và BN có điều trị nội trú trước QL có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Điều này phù hợp, vì thông thường những GĐ có thu nhập TB mới dễ có điều kiện đưa BN nhập viện cho dù đã được Nhà nước bao cấp một phần.
2.5.5. Liên quan giữa điều trị nội trú và tổng CP điều trị TB/BN/năm TQL
Bảng 2.15. Liên quan giữa điều trị nội trú và tổng CP đièu trị TB/BN/năm TQL
= 9,94. Mối liên quan trên có ý nghĩa thống kê (p< 0,01). 93 (64,6%) BN bắt buộc phải điều trị nội trú vì có hành vi nguy hiểm cho xã hội, mặc dù Thừa Thiên-Huế đang thiếu giừơng nội trú tâm thần (chỉ có 30 giường cho cả 3 tỉnh Bắc Miền Trung). 51 trường hợp còn lại phần lớn cũng có chỉ định nhập viện khi đang giai đoạn cấp tính nhưng bị buộc phải điều trị tại cộng đồng với liều thuốc an thần kinh cao. Đây là vấn đề cần xem xét, vì với liều thuốc cao mà BN không được theo dõi sát trong môi trường nội viện, tai biến xảy ra là điều khó tránh.
2.5.6. Liên quan giữa điều trị nội trú và tổng CP điều trị TB/BN/năm SQL
Bảng 2.16. Liên quan giữa điều trị nội trú và tổng CP điều trị TB/BN/ năm SQL
= 26,97. Sự liên quan trên có ý nghĩa thống kê (p < 0,001). Tuy nhiên, chỉ có 14 trường hợp tái phát nặng phải vào viện (9,7%). Điều này cho thấy, sau khi người bệnh được QL, sự tái phát có chỉ định vào viện giảm hẳn.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu THKT do bệnh TTPL gây ra trên 144 BN được quản lý điều trị tại 7 phường nội thành, thành phố Huế cùng NGH, chúng tôi có kết qủa như sau:
1. Tổng tổn hại kinh tế TB/BN có hao tốn/năm: so sánh trước và SQL
Tổng số THKT TB/BN/năm: TQL: 100% BN có hao tốn, thiệt hại: 12.120.000đ; SQL:100% BN có thiệt hại, trị giá:9.929.000đ, giảm 22,1%. Trong đó:
- BN mất khả năng lao động: TQL: 96,5% BN, gây thiệt hại 8.475.000đ; SQL, vẫn còn 91,0% BN, thiệt hại TB cao hơn: 8.625.000đ.
- Người nhà nghỉ việc để chăm sóc: TQL: 53,5% BN cần người nhà chăm sóc, công mất đi: 1.807.500đ; SQL: còn 31,2% BN có nhu cầu trên, nhưng thiệt hại TB lại cao hơn: 2.587.500đ.
- BN phá hoại tài sản gây thiệt hại: TQL, có 39,6% BN gây thiệt hại 1.227.217đ; SQL, chỉ còn 16,0% BN, nhưng mức thiệt hại TB cao hơn: 2.695. 652 đ.
- Tổng CP điều trị: TQL, 83,3% có chữa trị, CP: 2.362.642đ. SQL, 86,1% vẫn tiếp tục điều trị, CP: 916.580đ, giảm 157,8%. Trong đó:
+ Điều trị nội trú: TQL, 64,6% có điều trị nội trú, CP:1.204.428đ; SQL, chỉ còn 9,7% có điều trị, CP: 895.714đ, giảm 34,5%.
+ Điều trị y tế tư: TQL: 38,2% có điều trị tư, CP: 1.018.618đ; SQL, 30,6% điều trị tư, CP:742.700đ, giảm 37,2%.
+ Cúng bái để điều trị: TQL, có 43,0% cúng bái, hao tốn 2.078.230đ; SQL chỉ còn 5,5% cúng bái để chữa trị, CP: 1.925.000đ, giảm 8,0%.
2. Một số yếu tố liên quan
- Một số yếu tố liên quan đến tổng chi phí điều trị TB 1.000.000đ/BN/ năm: NGH có trình độ học vấn trung học cơ sở(p<0,05), “ BN có điều trị nội trú”: TQL (p<0,01), SQL (p<0,001).
- Không có liên quan giữa tổng CP điều trị TB/BN/năm với: hoàn cảnh kinh tế GĐ (p>0,05), mức độ nhận thức đúng của GĐ về bệnh TTPL (p>0,05).
KIẾN NGHỊ
1. Phát hiện và điều trị sớm bệnh TTPL, đảm bảo đúng quy trình, đúng tuyến, nhằm tăng hiệu quả, giảm chi phí, hạn chế tai biến, bằng điều trị tấn công tại cơ sở nội trú, sau đó tiếp tục điều trị duy trì tại cộng đồng.
2. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá công tác khám chữa bệnh TTPL: vận động nhân dân tích cực đóng góp kinh phí nhiều hơn nữa, xóa bỏ thói quen ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước
3. Đề nghị Tỉnh nghiên cứu tăng thêm giường nội trú tâm thần để hoàn chỉnh cơ sở khám chữa bệnh tâm thần trên địa bàn. Riêng bệnh TTPL vẫn thực hiện thu một phần viện phí (trừ thuốc, xét nghiệm tối cần) như đối với các bệnh tâm thần và bệnh chuyên khoa khác .
4. Từng bước nghiên cứu tổ chức hướng nghiệp, cho BN vay vốn, vận động có chính sách ưu đãi thuế đối với các tổ chức sản xuất tiểu thủ công nghiệp để thu nhận người bệnh TTPL vào làm việc có thu nhập nhằm hạn chế gánh nặng cho GĐ và xã hội.
Các tin khác
|
Thống kê truy cập Truy câp tổng 1.709.083 Truy câp hiện tại 30
|