2.Nguyên nhân: cho đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra được một nguyên nhân rõ ràng của rối loạn giảm chú ý – Tăng động. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy một số yếu tố có ảnh hưởng rõ rệt đến rối loạn này.
* Di truyền: Trên các cặp sinh đội cùng trứng nếu một trẻ bị thì nguy cơ mắc rối rối loạn này của trẻ còn lại lên đến khoảng 80 – 90%.
Nếu một người cha hoặc mẹ bị mắc thì nguy cơ con của họ, mắc rối loạn này là khoảng 50%. Nếu trẻ có anh chị mắc rối loạn này thì nguy cơ bị mắc là 15 – 25%.
* Những bất thường hoặc những tổn thương não bộ:
Các nghiên cứu cũng nhận thấy tỷ lệ rối loạn giảm chú ý, tăng động tăng cao ở những trẻ bị viêm não màng não, chấn thương não bộ trong quá trình sinh nở, ngạt sau sinh, những trẻ sinh thiếu tháng v.v…
* Môi trường : trong thời kì mang thai mẹ bị ngộ độc chì, thuốc diệt côn trùng, hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng ma túy … có vai trò ở khoảng 10 – 15% các trường hợp mắc rối loạn giảm chú ý – Tăng động.
3.Chẩn đoán
3.1.Chẩn đoán xác định
Căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng. Rối loạn giảm chú ý – tăng động tập trung ở các nhóm triệu chứng chính :
- Giảm sự chú ý: biểu hiện bằng sự bỏ dở các hoạt động trong khi chưa hoàn thành nên thường không hoàn thành tốt công việc. Thường chuyển một cách nhanh chóng từ hoạt động này sang hoạt động khác, không chú ý đến công việc đang làm vì thường bị hấp dẫn bởi một công việc khác. Ở trường, các trẻ này không thể nghe theo lời dặn, thầy cô giáo phải luôn luôn nhắc nhở; ở nhà, không làm theo các yêu cầu của bố mẹ.
- Tăng hoạt động- xung động: biểu hiện bằng sự hoạt động quá mức, đặc biệt trong những hoàn cảnh đòi hỏi có sự yên tĩnh. Trẻ thường chạy nhảy liên tục, hoặc đứng dây khỏi chỗ trong khi được yêu cầu ngồi yên, nói nhiều quá mức và làm ồn ào, hoặc cựa quậy không ngừng trong khi ngồi. Hành vi xung động, dễ bùng nổ, cảm xúc không ổn định (dễ chuyển từ cười sang khóc), dễ phát các cơn giận dữ vì lý do không đáng. Ở lớp học, có thể nhanh chóng bắt tay vào làm bài kiểm tra, nhưng làm xong vài câu là ngừng lại; không thể chờ đến lượt mình được cô giáo gọi, vội trả lời thay bạn khác mặc dù chưa suy nghĩ đầy đủ, tỏ ra thiếu sự kiểm soát bản thân.
- Các rối loạn kết hợp: Các rối loạn kết hợp thay đổi theo độ tuổi và giai đoạn phát triển: kém chịu đựng hẫng hụt, cơn giận dữ, ương bướng, loạn cảm … ảnh hưởng xấu đến quan hệ xã hội, thường bị bạn cùng lứa tuổi gạt bỏ, trở nên tự ti. Kết quả học tập kém (do giảm chú ý, nghe hiểu kém, ghi nhớ kém) thường gây xung đột với gia đình và nhà trường. Sự chăm chú làm việc không thích đáng đối với các nhiệm vụ đòi hỏi sự cố gắng bền bỉ, thường bị người khác suy đoán là lười nhác, ý thức trách nhiệm kém và có hành vi chống đối. Trong gia đinh, các trẻ em tăng động – giảm chú ý thường hay giận dữ, chống đối, thường bị bố mẹ cho là “cứng đầu”. Ở thể nặng, trẻ em có thể gây rối, tác động xấu đến sự thích ứng xã hội, gia đình và trường học. Có thể gặp hành vi chống đối bất tuân, rối loạn cảm xúc, lo âu, rối loạn giao tiếp. Với hoàn cảnh nguy hiểm, tỏ ra khờ dại, dễ bị tai nạn. Phần lớn các rối loạn trên là do hậu quả của rối loạn tăng động – giảm chú ý.
- Có thể thấy các rối loạn thần kinh nhẹ và các biến đổi điện não không đặc hiệu.
3.2.Chẩn đoán phân biệt
-Rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
-Rối loạn lo âu (thường xuyên xuất hiện ở một số hoàn cảnh đặc biệt.)
-Rối loạn phân ly (thường gắn với nguyên nhân tâm lý xuất hiện từng cơn.)
-Trầm cảm (một số trường hợp giảm chú ý – tăng động bị trầm cảm thứ phát do những thất bại trong quan hệ xã hội, học tập, nghề nghiệp.)
-Tâm thần phân liệt (thường xuất hiện ở tuổi lớn hơn kèm các triệu chứng tự kỷ, thiếu hòa hợp điển hình.)
-Rối loạn Tic (thường là các rối loạn vận động ngôn ngữ mang tính định hình.)
-Rối loạn hành vi chống đối
4.Điều trị
Điều trị bằng hóa dược kết hợp với liệu pháp tâm lý .
+ Thuốc điều trị :
- Chỉ định các thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương để điều trị ADHD:Dextroamphetamine (Dexedrin) dùng cho trẻ em trên 3 tuổi và methylphenidate (Concerta) cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Các thuốc này thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần gây nghiện, tuy nhiên nếu sử dụng hợp lý và trong phạm vi liều lượng được khuyến cáo cho kết quả tốt và không có nguy cơ gây nghiện.
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng và nhóm ức chế chọn lọc tái hấp thu Serotonin: là lựa chọn thứ 2 sau các thuốc kích thích tâm thần cho những trường hợp kháng với các thuốc trên và kèm theo trầm cảm lo âu.
+ Liệu pháp tâm lý
Riêng liệu pháp hóa dược sẽ hạn chế các kết quả mong muốn nên cần kết hợp nhiều phương thức khác.
Liệu pháp tâm lý cá nhân, thay đổi rối loạn hành vi, tư vấn cho cha mẹ bệnh nhân và điều trị các rối loạn phát triển đặc hiệu cùng tồn tại đều rất cần thiết.
Với cha mẹ và thầy cô giáo, cần tạo một môi trường nâng đỡ, thay đổi thái độ, giảm nhẹ lo âu cho họ, cung cấp cho họ kiến thức để biết dự đoán sự tiến triển của rối loạn, khi nào khen thưởng, khi nào trừng phạt; giúp cha mẹ trẻ em nhận thức rằng luôn luôn cho phép không phải là có ích cho con cái họ. Tuy con cái họ có thiếu sót trong một vài lĩnh vực tâm lý nhưng chúng vẫn tiếp tục các nhiệm vụ bình thường của quá trình trưởng thành như nhu cầu tiếp thu lời răn dạy của cha mẹ để nhập tâm các chuẩn mực, các giá trị xã hội và hình thành nhân cách một cách bình thường.
5.Tiên lượng
Khoảng 40 đến 70% trẻ mắc rối loạn này tồn tại ở tuổi vị thành niên nếu các triệu chứng thuyên giảm thì thường bắt đầu từ 12 cho đến 20 tuổi. Ở người trưởng thành rối loạn này vẫn tồn tại khoảng 50%. Thường các rối loạn tăng động có xu hướng giảm theo tuổi nhưng các rối loạn giảm chú ý cải thiện ít hơn. Những người mắc rối loạn này có nguy cơ nhiều hơn trở nên rối loạn nhân cách chống đối xã hội, sử dụng các chất gây nghiện, trầm cảm, lo âu v.v…
Rối loạn này nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ xã hội, học tập và nghề nghiệp.
Theo TSBS. Nguyễn Hữu Chiến (BVTTTW1)
BSCKI. Nguyễn Ngọc Thượt (s/t)