Tìm kiếm
-
-

Bạn đánh giá webssite của bệnh viện như thế nào?
Đau nửa đầu Migraine - Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Ngày cập nhật 22/02/2017

     Đau nửa đầu (ĐNĐ) Migraine thuộc nhóm nhức đầu mạn tính có nguồn gốc rối loạn nguyên phát ở não. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng ngoại trừ các thể đặc biệt như Migraine có biến chứng thần kinh. Mặc dù vậy, những cơn nhức nửa đầu dữ dội kéo dài kết hợp với một số triệu chứng khác ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

I. ĐẠI CƯƠNG
 
     Đau nửa đầu Migraine là một trường hợp đặc biệt thuộc nhóm nhức đầu mạn tính có nguồn gốc rối loạn nguyên phát ở não. Migraine là loại bệnh không nguy hiểm đến tính mạng ngoại trừ các thể đặc biệt như Migraine có biến chứng thần kinh. Mặc dù vậy, nó thường xuất hiện những cơn nhức nửa đầu dữ dội kéo dài kết hợp với một số triệu chứng khác làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc phát hiện và điều trị kịp thời là cần thiết, bởi lẽ làm hạn chế được các cơn đau gây khó chịu, lo lắng cho người bệnh nhằm cải thiện về hiệu quả công việc cũng như chất lượng cuộc sống cho người bệnh và những biến chứng có thể xảy ra. Migraine gặp ở phụ nữ nhiều hơn ở nam giới tỷ lệ nữ/nam khoảng 3/1, gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở nữ tuổi trẻ dưới 45 tuổi, hiếm gặp hơn ở người cao tuổi già và trẻ em. Theo thống kê mới đây ở Hoa kỳ thì tỷ lệ mắc bệnh tương đối cao xấp xĩ 18% ở nữ giới và 5 – 7% ở nam giới. Riêng ở Việt Nam thì chưa có một số liệu thống kê chính thức. Về cơ chế bệnh sinh xếp vào nhóm đau đầu do nguyên nhân mạch máu còn gọi là hội chứng Thần kinh - mạch máu ở não và có tính chất cơn rõ rệt. Các tác giả trên thế giới như Thomas Willis 1960 hay Jame Lane 1990… cho rằng Migraine là loại nhức đầu có liên quan đến vai trò của chất dẫn truyền thần kinh thuộc hệ serotoninergic, nó có tác dụng co các động mạch lớn và giãn các động mạch nhỏ cũng như các vi mạch, thuyết này hiện nay các nhà thần kinh học thế giới vẫn còn công nhận. Về cơ gây bệnh cũng như biểu hiện lâm sàng của bệnh giữa nam và nữ không có sự khác nhau rõ rệt. Một số tác giả còn cho rằng có sự liên quan với di truyền trong một số thể Migraine như migraine với biến chứng liệt nửa người có tính chất gia đình.
 
II. VỀ CHẨN ĐOÁN
 
     Việc chẩn đoán Migraine hoàn toàn dựa vào triệu chứng lâm sàng mà chưa có xét nghiệm hoặc dấu ấn sinh học nào là đặc hiệu để chẩn đoán kể cả chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, chẩn đoán hình ảnh có thể giúp chúng ta chẩn đoán phân biệt các thể Migraine không điển hình hoặc thể Migraine có biến chứng liệt nửa người với các loại nhức đầu khác có tổn thương thực thể ở não như: Dị dạng mạch não, u não, tụ máu... Ngoài ra, Chẩn đoán hình ảnh còn có thể loại trừ được các tổn thương liên quan đến vùng răng hàm mặt và vùng Tai mũi họng. Tiêu chuẩn chẩn đoán Migraine theo Hội đau đầu Quốc tế (IHS) như sau: 
                                
      Migraine điển hình không có thoáng báo (không Aura) là đau nửa đầu theo cơn với tính chất: cơn đau nửa đầu kéo dài từ 4 – 72 giờ (A). Kèm theo phải có ít nhất 2 trong các triệu chứng như: đau một bên và thể lần lượt đổi bên (Không cố định bên nào), có hiện tượng mạch đập ở vùng thái dương, mức độ đau có thể vừa hoặc dữ dội tuỳ theo từng bệnh nhân và đau tăng lên khi gắng sức (B). Trong cơn có ít nhất một trong các triệu chứng nôn và/ hoặc buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động (C). Ít nhất có 5 cơn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên (D). Đối với Migraine điển hình có thoáng báo (có Aura) thì việc chẩn đoán phải có ít nhất 2 cơn nhức đầu đầy đủ tiêu chuẩn (A) – (C) ở trên và kèm theo xuất hiện các triệu chứng trong cơn như rối loạn cảm giác nửa người, liệt các dây thần kinh sọ, liệt nửa người, rối về thị giác, rối loạn ngôn ngữ, các triệu chứng này chỉ thoáng qua và mất đi sau vài phút kéo dài không quá 1 giờ. Nếu triệu chứng này tồn tại lâu và tồn tại cả sau cơn thì đây là thể Mgraine có biến chứng. Tuy nhiên, phải loại trừ được các bệnh khác có nguyên nhân tổn thương thực thể. Một số thể Migraine không điển hình như: kèm theo mất ý thức, liệt nửa người có tính chất gia đình, thể tiêu hóa, thể có thất điều, thể giả hội chứng tiền đình (nhức nửa đầu kèm theo ù tai một bên, chóng mặt)…  Migraine có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đó là Migraine mạn tính kéo dài, trạng thái migraine, nhồi máu não do Migraine, co giật do Migraine.
 
III. ĐIỀU TRỊ MIGRAINE
 
     Migraine cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Tuy vậy, trước khi điều trị cần làm một số xét nghiệm thăm dò tùy theo từng trường hợp cụ thể như chụp cắt lớp vi tính so não, chụp cộng hưởng từ sọ não, siêu âm hệ thống mạch máu trong và ngoài sọ, chụp mạch não và một số xét nghiệm cơn bản cần thiết khác để loại trừ các bệnh lý thực tổn ở não nguy hiểm cụ thể là: Dị dạng mạch não, u não, tụ máu, não úng thủy… và cũng có thể phát hiện các bệnh lý nội khoa khác kèm theo. Để điều trị có hiệu quả Migraine cần phải kết hợp song song 3 phần dưới đây:
 
     1. Các phương pháp điều trị chung là ngăn ngừa các yếu tố có thể gây cơn: chế độ ăn uống hạn chế các chất kích thích như rượu bia thuốc lá. Chế độ giấc ngủ phù hợp tránh thức khuya hoặc rối loạn giấc ngủ. Chế độ lao động và sinh hoạt tránh căng thẳng (stress) kết hợp với thư giãn luyện tập. Điều kiện môi trường nơi ở phải có ánh sáng phù hợp và tránh nhiều tiếng động. Giáo dục cho bệnh nhân biết về tình trạng bệnh, cách dùng thuốc và cách theo dõi tiến triển của bệnh.
 
     2. Điều trị cắt cơn đau (điều trị giai đoạn cấp)khi đang có cơn đau: nhằm mục đích là cắt cơn đau nhanh chóng, hiệu quả, hạn chế tác dụng phụ, cải thiện khả năng, chức năng thần kinh cho bệnh nhân. Các nhóm thuốc đặc hiệu thường dùng: nhóm Ergotamine Tartrate hoặc nhóm Triptan (Sumatriptan, Eletriptan, Naratriptan, Rizatriptan, Almotriptan và Zolmitriptan) có thể dùng dạng viên uống hoặc dạng tiêm (khi bệnh nhân có biểu hiện nôn nhiều) và cần dùng ở giai đoạn sớm mới có tác dụng tốt. Tuy nhiên, không được dùng quá liều vì thuốc này có thể dẫn đến hoại tử đầu chi, thuốc không được dùng cho phụ nữ có thai, thận trọng khi đang có kinh nguyệt cũng như những trường hợp nhiễm trùng nặng. Ngoài ra, cần phải kết hợp với các thuốc giảm đau thông thường thuộc nhóm không Steroid và có thể kết hợp với thuốc chống nôn khi bệnh nhân nôn nhiều.
 
     3. Điều trị dự phòng: Chỉ sử dụng khi tần suất các cơn dày, ít nhất có 2 - 3 cơn mỗi tuần, các thể Migraine có biến chứng và Migraine gây trở ngại lớn đến lao động, sinh hoạt hàng ngày mặc dù đã được điều trị giai đoạn cấp. Điều trị dự phòng với mục đích làm giảm về cường độ cũng như tần số cơn, dần dần tiến đến cắt hoàn toàn cơn và tránh tái phát cơn. Thời giai điều trị ít nhất là 2-3 tháng kể cả khi không còn cơn đau. Các thuốc thường được sử dụng là: Dihydroergotamine (Tamik, Seglor) có thể phối hợp với các thuốc có tác dụng giãn mạch não thuộc nhóm chẹn ion Ca (Flunarizin) và cũng có thể kết hợp các nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng ( Amitryptilin), nhóm chẹn ß giao cảm (propranolol). Số lượng loại thuốc dược lựa chọn và liều dùng phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
 
Sưu tầm: BSCKI. Nguyễn Ngọc Thượt
Nguồn: TTVN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 1.703.947
Truy câp hiện tại 264