Trị liệu âm nhạc
Mục đích của trị liệu âm nhạc là thay đổi cảm xúc, ý nghĩ của bệnh nhân theo chiều hướng tích cực, gia tăng trí nhớ, phục hồi và phát triển khả năng giao tiếp xã hội, giúp bệnh nhân có tinh thần lạc quan, can đảm hơn khi phải chống chọi với những nỗi đau về tinh thần hay thể xác.
Khác với sự gỉảng dạy hay huấn luyện về âm nhạc (music instruction), trị liệu âm nhạc (music therapy) không đòi hỏi bệnh nhân phải đàn hay, hát giỏi, phải thành thạo ngôn ngữ và có khả năng giao tiếp xã hội. Những chuyên gia trị liệu (music therapists) cho rằng con người vốn yêu thích âm nhạc ngay từ thuở chào đời, bất luận họ khác biệt ra sao về mầu da, sắc tộc, phái tính, mức độ khuyết tật về cảm xúc, thể xác, hay trí tuệ. Nhiều trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ có sự cuốn hút bẩm sinh bởi âm nhạc và nhạc cụ. Vì vậy, trị liệu tự kỷ bằng âm nhạc trong những thập niên gần đây đã được áp dụng rộng rãi và được xem là một trong những phương pháp can thiệp hữu hiệu về mặt trao dồi ngôn ngữ, giúp các em tự tin, hòa nhập và thích nghi tốt hơn trong những môi trường sinh hoạt không ngừng thay đổi ở gia đình, trường học và cộng đồng (1).
Trị liệu âm nhạc không gây nên những sự tranh cãi ồn ào, quyết liệt về tính khoa học trên các diễn đàn tự kỷ. Lý do là trị liệu âm nhạc không có những phản ứng phụ độc hại như những loại thuốc tâm thần, không uổng phí thời gian trong chặng tuổi vàng, và tương đối ít tốn kém so với những phương pháp trị liệu khác. Nhiều báo cáo về trị liệu âm nhạc cho thấy những nhà tâm thần học và bác sĩ nhi đồng ở nước Đức hoặc ở châu Âu thường khuyến khích phụ huynh nên cho con em tự kỷ theo học các lớp dạy hát, dạy đàn như là một trong những dịch vụ hỗ trợ thuộc chương trình giáo dục đặc biệt hoặc trị liệu tổng quát, bao gồm dịch vụ can thiệp hành vi ABA, dịch vụ nói/ngôn ngữ và vận động (2).
Trị liệu tự kỷ bằng âm nhạc ở Hoa Kỳ
Nếu có cơ hội đi thăm các lớp học âm nhạc dành cho các em bị khuyết tật, phụ huynh sẽ thấy các chuyên viên trị liệu xử dụng nhạc cụ và giọng hát để lôi cuốn sự chú ý và dạy các em biết bắt chước, biết lắng nghe, chờ đến lượt mình hát theo hay hòa nhịp bằng nhạc cụ trong bầu không khí cởi mở , vui nhộn, và đầy sáng tạo. Phụ huynh cần lưu ý: Các chuyên viên âm nhạc không bắt buộc phải soạn thảo giáo án và không cần phải nêu rõ mục tiêu về hành vi hay ngôn ngữ mà trẻ tự kỷ phải đạt được sau khoảng thời gian trị liệu nào đó. Hiện tại, có 2 phương pháp trị liệu tự kỷ bằng âm nhạc. Điển hình là -
1) The Improvisonal Music Therapy (IMT): Đây là phương pháp trị liệu âm nhạc khá phổ biến, thích hợp cho những em tự kỷ thuộc dạng cao (high functioning) và có khả năng diễn đạt ý nghĩ hay cảm xúc bằng lời. Trị liệu âm nhạc IMT là dựa vào sự ngẫu nhiên, cảm hứng theo tình huống – thầy trò vừa thay phiên sáng tác tại chổ, vừa ca hát, hòa nhịp và bày tỏ cảm xúc cho nhau. Thông thường ở Hoa Kỳ, những chuyên viên trị liệu IMT được huấn luyện những kỹ năng về âm nhạc, đặc biệt là kiến thức tổng quát về các môn tâm lý học, giáo dục đặc biệt, sức khỏe tâm thần, và phải thực tập trong vòng 6 tháng, rồi trải qua một kỳ thi trắc nghiệm trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề ở bệnh viện, trường học, viện dưỡng lão, nhà trẻ, ở những trung tâm cai nghiện, hoặc trung tâm điều trị bệnh tâm thần.
2) Music Interaction Therapy (MIT) là phương pháp trị liệu ít phổ biến, chỉ dành cho trẻ tự kỷ thuộc dạng thấp (low functioning), không có khả năng diễn đạt ngôn ngữ bằng lời. Trẻ theo học các lớp MIT được chỉ dẫn cách xử dụng các nhạc cụ đơn giản, chẳng hạn trống gõ, trống lục lạc để bắt nhịp theo lời ca hay tiếng đàn piano, guitar của giáo viên/chuyên viên (3). Phụ huynh cần lưu ý: MIT (The Music Interaction Therapy) không đòi hỏi giáo viên/chuyên viên phải được huấn luyện và có kiến thức chuyên môn như các giáo viên/chuyên viên trị liệu âm nhạc theo phương pháp IMT (The Improvisonal Music Therapy).
Những chuyên gia nhận định như thế nào về vấn đề trị liệu tự kỷ bằng âm nhạc ở Hoa Kỳ?
Từ năm 1990 đến nay, ở Hoa Kỳ chỉ có chừng 20 thống kê và báo cáo về tác động của trị liệu âm nhạc đối với sự thay đổi hành vi của trẻ tự kỷ. Tất cả dữ kiện thu thập được đều có tính chủ quan, không thể so sánh hay đối chiếu với những phương pháp trị liệu khác vì số lượng trẻ tham gia trắc nghiệm quá ít, chưa đủ bằng chứng để các chuyên gia đi đến kết luận rằng âm nhạc là một trong những phương pháp trị liệu tự kỷ có tính khoa học và hiệu quả cao.
Năm 2004, Tiến Sĩ Jennifer Whipple, khoa trưởng ngành âm nhạc thuộc Đại Học Southern Charleston ở South Carolina, đã kiểm nghiệm 9 báo cáo khác nhau về thành quả trị liệu âm nhạc từ thập niên 70 trở đi, và nhận định trong bài viết "Music in intervention for Children and Adolescents with Autism - Can Thiệp bằng Âm Nhạc cho Trẻ và Thanh Thiếu Niên Tự Kỷ" rằng âm nhạc có tính tích cực, đem lại nhiều lợi ích cho những cá nhân tự kỷ, bất kỳ tuổi tác, thể nhạc, hay nhạc cụ nào được áp dụng trong quá trình trị liệu (4).
Năm 2007, nhóm bác sỹ tâm thần thuộc các trường đại học danh tiếng ở nước Ý đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về tính hiệu quả của âm nhạc với sự tham gia của 8 thiếu niên bị tự kỷ thuộc dạng nặng trong vòng 52 tuần lễ, và mỗi tuần các em được trị liệu 60 phút bằng cách chơi đàn piano, hát và đánh trống với 2 chuyên viên âm nhạc IMT (Interactive Music Therapy). Dữ kiện thu thập được giữa và sau 52 tuần cho thấy khoảng 6 tháng đầu tiên, 8 thiếu niên tự kỷ đã có nhiều sự tiến bộ về hành vi và khả năng giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, 6 tháng về sau thì chẳng thiếu niên nào có sự thay đổi hay tiến bộ đáng được ghi nhận về hành vi qua phương pháp trị liệu nầy (5).
Năm 2008, nhóm chuyên gia thuộc các viện âm nhạc ở Nam Hàn, Đan Mạch và Na Uy đã thực hiện một cuộc nghiên cứu khác về lợi ích của trị liệu âm nhạc đối với sự gia tăng khả năng chú ý và giao tiếp xã hội của 10 trẻ tự kỷ, tuổi từ 3 đến 5, bằng cách so sánh hiệu quả của âm nhạc qua phương pháp IMT (The Improvisonal Music Therapy ) với sự trị liệu bằng đồ chơi (toys) trong các lớp học, mỗi tuần được hướng dẫn 30 phút và kéo dài suốt 12 tuần lễ. Kết quả: Các em được trị liệu bằng âm nhạc tỏ ra thích thú, hứng khởi, biết giao tiếp bằng mắt (eye contact), biết chờ đợi, lắng nghe và thực hiện đúng động tác được hướng dẫn hơn các em được trị liệu bằng đồ chơi (6).
Năm 2009, trong báo cáo "Addressing the Need for Evidence based practice Guidelines for Autism Spectrum Disorders", Trung Tâm Nghiên Cứu Tự Kỷ Quốc Gia (National Autism Center - The National Standards Project) đã đánh giá và xếp các phương pháp trị liệu bằng âm nhạc vào mục “Emerging Treatment - Có Triển Vọng –” nhưng đòi hỏi phải có nhiều nghiên cứu độc lập và khoa học hơn trước khi chính thức được công nhận là một trong những phương pháp can thiệp có thể đem lại nhiều lợi ích cho trẻ/thanh thiếu niên bị rối loạn phổ tự kỷ (7).
Tổn phí trị liệu âm nhạc ở Hoa Kỳ
Hầu hết các hãng bảo hiểm sức khỏe đều từ chối chi trả cho các dịch vụ liên quan đến trị liệu âm nhạc. Ở các trường công lập, trị liệu âm nhạc là dịch vụ liên hệ (related services) được ghi nhận trong Đạo Luật Giáo Dục Cá Nhân Khuyết Tật (IDEA 2004). Ở những tổ chức an sinh xã hội (the social service organizations), trị liệu âm nhạc được xem là dịch vụ sinh hoạt cộng đồng, và tất cả đều miễn phí cho phụ huynh.
Các chương trình trị liệu âm nhạc có thể kéo dài trong nhiều năm, và mỗi lần học chỉ chừng 30 phút/một tuần. Học theo nhóm có lệ phí từ 60 đô la trở lên. Phụ huynh chia nhau góp trả. Học riêng, một đối một (one-on-one) thì lệ phí mỗi tuần vào khoảng 100 đô la, tùy vào bằng cấp và kinh nghiệm của giáo viên/chuyên viên.
Ở Hoa Kỳ, phụ huynh có thể liên lạc với Hiệp Hội Chuyên Trị Liệu Âm Nhạc (the Association of Professional Music Therapists ) qua mạng www.apmt.org/ để được cung cấp đầy đủ những thông tin về các giáo viên/chuyên viên âm nhạc hành nghề trong khu vực hay thành phố mình đang cư ngụ.
Sưu tầm: BS.Châu Văn Hậu
Nguồn:
1) American Music Therapy Association. Music Therapy (2012) at www.musictherapy.org/research/factsheets.
2) Music Therapy in The Treatment of Autistic Children by Evers, S. (1992).
3) Brief Report – Musical Interaction Therapy for Children with Autism: An Evaluation Case Study with Two-Year Follow-Up. Journal of Autism and Developmental Disorders (1995) by Wimpory, Chadwick, and Nash.
4) Music in intervention for Children and Adolescents with Autism (2004) by Jennifer Whipple, PhD, MT-BC, NICU-MT - An Associate Professor and Director of Music Therapy at Charleston Southern University, South Carolina.
5) Effect of Long Term Interactive Music Therapy on Behavior Profile and Musical Skills in Young Adults with Severe Autism (2007) by Marianna Boso, M.D. Department of Health Sciences, Section of Psychiatry, University of Pavia, Pavia, Italy; Enzo Emanuele, M.D. Interdepartmental Center for Research in Molecular Medicine (CIRMC), University of Pavia, Pavia, Italy; Vera Minazzi, D.Mus. Department of Health Sciences, Section of Psychiatry, University of Pavia, Pavia, Italy; Marta Abbamonte, M.D. Department of Health Sciences, Section of Psychiatry, University of Pavia, Pavia, Italy; Pierluigi Politi, M.D., Ph.D. Department of Health Sciences, Section of Psychiatry, University of Pavia, Pavia, Italy.
6) The Effect of Improvisional Music Therapy on Joint Attention Behaviors in Autistic Children: A Randomized Controlled Study (2008) by J. Kim - Department of Arts Therapy, Jeonju University, Jeonju, Korea; T. Wigram - Aalborg University, Aalborg, Denmark; C. Gold - The Grieg Academy Music Therapy Research Centre, Unifob Health, Bergen, Norway.
7) National Autism Center. (2009) The National Standards Project: Addressing the Need for Evidence based practice Guidelines for Autism Spectrum Disorders.