Trong công trình nghiên cứu viết thành sách mang tên "Bệnh tăng động giảm chú ý không tồn tại" vừa xuất bản tại Chicago, bác sĩ Richard Saul đưa ra quan điểm ngược lại hoàn toàn so với những gì y học định nghĩa lâu nay.
Mất tập trung, bồn chồn và loay hoay trên ghế, cậu bé 13 tuổi trong phòng tư vấn của tôi đã thể hiện tất cả dấu hiệu điển hình của sự rối loạn chú ý.
Mẹ cậu hy vọng tôi có thể làm điều gì đó cho con trai mình vì cậu bé ngày càng trở nên chậm chạp và mất tập trung ở trường. Dường như cậu bé không lo lắng về kết quả học tập ngày càng giảm sút mà còn nói rằng cảm thấy “quá mệt mỏi” với hoạt động thể thao, điều mà trước đây bé rất yêu thích.
Cậu bé được chẩn đoán bị chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) và được cấp thuốc uống trong vòng một năm. Tuy nhiên, cho đến nay nỗi thất vọng của giáo viên và người mẹ về thái độ của cậu vẫn không có sự cải thiện.
Tôi không ngạc nhiên khi nghe chuyện đó. Bởi vì sau 50 năm kinh nghiệm và chứng kiến hàng nghìn bệnh nhân có những triệu chứng của ADHD, tôi kết luận rằng không hề tồn tại những căn bệnh như ADHD.
Tình trạng tăng động giảm chú ý dường như đã lan rộng như một vụ cháy rừng trên phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây. Các bệnh nhân đã được chẩn đoán và cấp thuốc. Hơn 4% người trưởng thành và 11% trẻ em tại Mỹ được chẩn đoán bị ADHD, tăng hơn 40% trong thập kỷ vừa qua. Hiện tại, chứng rối loạn này được cho là phổ biến nhất tại Anh và ảnh hưởng đến 2–5% trẻ em trong độ tuổi đi học.
Quy định đối với các chất kích thích được sử dụng để điều trị tăng động giảm chú ý (bao gồm Ritalin) đã được tăng gấp đôi đối với trẻ em và gấp 4 lần đối với người lớn tại Anh từ năm 2003 đến 2008. Được gọi là chất kích thích bởi vì chúng được chế tạo để kích thích các bộ phận không hoạt động thường xuyên của não, gây ra một loạt tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí có thể làm các triệu chứng tăng động trở nên tồi tệ hơn.
Điều trị ADHD như một căn bệnh sẽ vô cùng khủng khiếp, nguy hiểm và có thể gây hại cho bệnh nhân.
Thực tế là có sự tồn tại của các triệu chứng như không có khả năng chú ý đến các chi tiết, bồn chồn, dễ bị gián đoạn, khó khăn khi ngồi và hành vi bốc đồng. Nhưng nếu kết luận đó là chứng ADHD, sau đó điều trị bằng chất kích thích giống như trị các triệu chứng của một cơn đau tim hay đau ngực nghiêm trọng bằng thuốc giảm đau, thay vì khắc phục nguyên nhân sâu xa thì rất nguy hiểm.
Trở lại những năm 70, tôi tin vào những khái niệm về chứng tăng động giảm chú ý vì dường như nó giải thích các vấn đề ảnh hưởng đến sự chú ý của rất nhiều trẻ em. Nhưng trong những năm gần đây tôi nhận ra rằng các triệu chứng đó có thể do hàng loạt nguyên nhân nhưng đã bị bỏ qua vì người ta quy hết cho ADHD.
Những lập luận trong cuốn sách mới của tôi về đề tài này đã tạo ra một cuộc tranh cãi dữ dội tại Mỹ (nơi tôi công tác với vai trò nhà thần kinh học hành vi). Họ cho rằng chúng tôi đã bị mắc kẹt trong vòng xoáy chẩn đoán sai về ADHD và hàng loạt đơn thuốc với các chất kích thích như Ritalin. Tuy nhiên, chỉ khi điều tra đúng cách, xác định và điều trị từ các nguyên nhân một cách chính xác, chúng tôi mới có thể giúp đỡ các bệnh nhân.
Trường hợp của cậu bé 13 tuổi trên, tôi đã yêu cầu làm một loạt xét nghiệm máu. Kết quả cho thấy cậu bị thiếu chất sắt.
Sau giờ học, trong khi mẹ ra ngoài làm việc, cậu ăn rất nhiều thức ăn chứa hàm lượng đường cao nhưng lại ít sắt.
Thiếu sắt (thiếu máu) gây mệt mỏi thể chất, giảm chú ý, làm mất tập trung và những vấn đề về trí nhớ. Do đó, ngay khi được yêu cầu bổ sung lượng sắt với thuốc sắt, cá, trái cây, rau củ và ngũ cốc vào khẩu phần ăn hàng ngày thì thành tích và thái độ học tập của cậu cũng được cải thiện đáng kể.
Trong cuốn sách của mình, tôi xác định hơn 20 nguyên nhân của các triệu chứng được gọi là ADHD khác hẳn với các quan niệm phổ biến hiện nay.
Đôi khi không có điều gì sai, vấn đề là do sự nhận thức quá nhạy cảm về tăng động giảm chú ý: Cha mẹ, thầy cô, thậm chí chính các bệnh nhân cho rằng họ bị chứng bệnh này và mong muốn được điều trị. Trong khi các bác sĩ bận rộn lại sẵn sàng đưa ra kết luận nhanh chóng, chẩn đoán tất cả đều là ADHD.
Tôi đã đuổi vô số sinh viên đến, khẳng định với tôi rằng ADHD có tồn tại và yêu cầu cho bệnh nhân dùng chất kích thích để giúp họ tập trung, hy vọng thuốc sẽ làm tăng thành tích của họ. Trong khi đó nhiều bác sĩ khác sẵn sàng kê toa mà không chần chừ do dự.
Định nghĩa về chứng bệnh ADHD ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Đơn giản là vì danh sách phổ biến về tên gọi của các triệu chứng đã không thể đáp ứng được thực tế chẩn đoán như sự mất chú ý đến các chi tiết, không muốn lắng nghe, mất dần những thói quen, trở nên “quá vô tổ chức”, hay quên, bồn chồn ở tay và chân, đứng lên khi đang được ngồi, nói năng vô chừng mực, đôi khi bật ra câu trả lời bị gián đoạn, hoặc chen vào câu chuyện người khác. Họ không biết gọi đó là gì nên nói đại là bệnh nhân bị chứng tăng động giảm chú ý.
Các định nghĩa trên rất chủ quan, bởi bạn có biết một người nói bao nhiêu là “vô chừng mực”? Thế nào là “quá vô tổ chức”? Sao không nhận ra rằng ngày càng có nhiều trẻ em và người lớn được chẩn đoán bị như thế?
Các bệnh nhân tăng động giảm chú ý thực ra là ở nhiều tình trạng khác nhau, chẳng hạn bị trầm cảm, rối loạn lưỡng cực hay tâm thần phân liệt. Những vấn đề này được cho là “cùng tồn tại song song” với chứng tăng động giảm chú ý. Nhưng theo quan điểm của tôi, chúng là nguyên nhân thực sự của triệu chứng ADHD. Khi điều trị chúng, bạn sẽ điều trị được ADHD.
Nếu không điều trị tận gốc từ nguyên nhân mà thay vào đó lại cho dùng chất kích thích chỉ khiến tình trạng của bệnh nhân trở nên tồi tệ hơn. Tác dụng phụ của các chất kích thích là rất tai hại, bao gồm: chán ăn (nguy hiểm cho trẻ em bởi chúng cần chế độ ăn uống khoa học), rối loạn giấc ngủ (sự mệt mỏi có thể làm trầm trọng các vấn đề về sự chú ý), lo lắng, khó chịu, tâm trạng căng thẳng, dậy thì trễ và các vấn đề về tình dục ở người lớn (như rối loạn chức năng cương dương).
Sử dụng lâu dài các chất kích thích còn khiến bệnh nhân "lờn" thuốc, nghĩa là càng về sau họ cần liều lượng cao hơn. Các loại thuốc có thể làm hỏng bộ nhớ và sự tập trung, thậm chí giảm tuổi thọ và khiến bệnh nhân tự tử.
Trên thực tế, các chất kích thích đang bị lạm dụng nhiều hơn và thường xuyên hơn, tạo ra “quả bom nổ chậm” cho sức khỏe, trong khi bác sĩ lại bỏ qua những nguyên nhân thực sự của bệnh tình.
Một bé gái 7 tuổi được đưa đến chỗ tôi vì cô bé gây rối, nói lớn và bồn chồn trong lớp học. Cô bé đã được chẩn đoán về ADHD và kê đơn thuốc có chất kích thích Adderall (tương tự như Ritalin). Tác dụng phụ của thuốc này lại gây ra chứng mất ngủ khiến tình trạng của bệnh nhi càng tệ hại hơn.
Tôi đã kiểm tra thị lực và phát hiện cô bé cần được đeo kính do bị cận thị. Thực ra hành vi phá phách của cô trong lớp bắt nguồn từ sự nhàm chán, vì trên thực tế bé không thể nhìn thấy những gì thầy cô dạy trên bảng.
Khi đã được đeo kính, hành vi của cô bé được cải thiện gần như hoàn toàn. Em đã không còn bị ADHD, hay nói đúng hơn ngay từ đầu cô bé không hề bị ADHD. Tương tự như thế, nhiều trẻ em hay phân tâm và nhìn chằm chằm ra cửa sổ, trên thực tế, chúng bị mỏi mắt và cần kính chứ không phải chất kích thích.
Lý do phổ biến khác của ADHD chỉ đơn giản là thiếu ngủ. Những người trưởng thành cần ngủ ít nhất 7 tiếng một đêm và trẻ em cần từ 10 đến 11 tiếng. Nếu không ngủ đủ, họ sẽ phải chịu đựng vô số vấn đề, trong đó nhiều người được xác định với những triệu chứng ADHD: sự chú ý và trí nhớ kém, hiếu động thái quá vào ban ngày.
Mặt khác, các thiết bị công nghệ thông minh thường khiến cho người ta bỏ lỡ giấc ngủ. Những thanh niên đến xin đơn thuốc ADHD thường thức rất khuya để chat hoặc chơi game trực tuyến. Ánh sáng phát ra từ máy tính và các thiết bị cũng có thể phá vỡ nhịp sinh học làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Nghiên cứu cho thấy nhiều trẻ bị chẩn đoán tăng động giảm chú ý có rắc rối trong chuyện ngủ. Rối loạn giấc ngủ gây ra sự lơ đễnh và hoạt động thái quá (rối loạn giấc ngủ cũng được cho là “cùng tồn tại song song” với ADHD).
Tương tự áp dụng cho các vấn đề về thính giác. Khi chẩn đoán cho trẻ, các bác sĩ thường bỏ qua yếu tố về tiếng ồn gây rối loạn thính giác. Theo tôi đây là nhân tố hiểm họa hơn bao giờ hết trong thế giới hiện đại của chúng ta, khi phải đối mặt với quá nhiều tiếng ồn, từ điện thoại di động đến các phương tiện giao thông. Trẻ em bị mất thính lực hầu như bị gán là có vấn đề về hành vi, trong khi trên thực tế, chúng bị phân tâm vì không thể chịu đựng được tiếng ồn trong lớp.
Một cậu bé 9 tuổi được đem đến cho tôi, người mẹ hết sức lo lắng vì con đã gây rối, thiếu chú ý và xa lánh mọi người trong trường. Cậu đã được chẩn đoán bị ADHD và được tiêm chất kích thích, nhưng thuốc khiến làm cậu bé giảm cân và mất ngủ.
Tôi được người mẹ kể cho nghe về kết quả kiểm tra: cậu bé đã mất thính lực hơn 50% ở cả 2 tai. Sau khi được trang bị máy trợ thính, hành vi của em được cải thiện đáng kể và dần trở nên gần gũi hơn với mọi người.
Tôi cũng xin nói thêm là không phải tất cả nguyên nhân cơ bản gây ra vấn đề về hành vi đều có thể giải quyết dễ dàng.
Những rối loạn khác được cho là “cùng tồn tại” với ADHD là rối loạn cảm giác (SPD), ảnh hưởng đến hơn 5% trẻ em độ tuổi mầm non.
Những người bị SPD sẽ gặp khó khăn khi tiếp nhận thông tin từ các giác quan khác nhau. Nó giống như một sự ách tắc giao thông thần kinh, ngăn chặn việc xử lý thông tin và gây ra sự vụng về, học tập, hành vi đấu tranh xã hội.
Một vài triệu chứng này có thể bị đánh giá sai giống như những dấu hiệu của ADHD và được điều trị bằng chất kích thích, sẽ làm trầm trọng hóa vấn đề. Nhưng nếu SPD được phát hiện, nó sẽ được điều trị hiệu quả bằng các liệu pháp khoa học (mặc dù chứng này không thể chữa khỏi hoàn toàn).
Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng rối loạn hành vi ở trẻ là do gặp khó khăn trong học tập, nhưng người lớn thường không quan tâm mà vội vàng chẩn đoán trẻ bị tăng động. 30% trẻ em được chẩn đoán bị ADHD có thể gặp nhiều khó khăn trong học tập, nhưng vì chỉ tập trung chữa ADHD mà thầy cô và cha mẹ trì hoãn hoặc không quan tâm giúp trẻ giải quyết những khó khăn đang gặp phải.
Từ đó dẫn đến bi kịch là trẻ em phải đấu tranh với giáo viên, cha mẹ và các bác sĩ - những người chỉ tập trung vào chữa trị vấn đề hành vi của trẻ hơn là xác định những khó khăn mà trẻ muốn được tháo gỡ.
Riêng với trẻ có năng khiếu hoặc khả năng sáng tạo cao có thể trở nên quẫn trí và gây rối tại trường nếu chúng không thể chịu đựng được thử thách. Nếu cha mẹ và thầy cô nhìn thấy các triệu chứng "không giống ai" để chữa thì sẽ làm gia tăng sự thất vọng nơi chúng. Từ đó khiến các triệu chứng ấy trở nên tồi tệ hơn.
Hội chứng rối loạn thần kinh và rối loạn xung lực ám ảnh (OCD) – cũng thường bị nhầm lẫn với tăng động giảm chú ý (ADHD).
Các bệnh nhân mắc chứng này hay bị phân tâm hoặc hiếu động, đung đưa người hoặc loay hoay trên ghế. Tuy nhiên người ta lại gán cho các trường hợp này là mắc chứng tăng động giảm chú ý mà bỏ qua tình trạng bệnh thật sự của họ.
Một khi chỉ tập trung vào chữa trị chứng tăng động ADHD, có thể chúng ta dễ bỏ qua căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng như tâm thần phân liệt. Đặc điểm của các bệnh nhân này là thường nghe thấy tiếng nói trong đầu hoặc có ảo giác. Tình trạng này hiếm gặp ở trẻ em nhưng có thể gặp những biểu hiện của nó như bốc đồng, hiếu động hoặc kích động hành vi, suy nghĩ và nói năng vô tổ chức, giao tiếp bằng mắt kém.
Tâm thần phân liệt cần được điều trị bởi bác sĩ tâm thần, thường là dùng thuốc chống rối loạn thần kinh. Và nếu không điều trị, bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn.
Trầm cảm và chứng rối loạn lưỡng cực đôi khi cũng bị nhầm lẫn là ADHD. Một cậu bé 12 tuổi đã tâm sự với tôi rằng chỉ vì nén cơn giận dữ mà cậu bị phân tâm và trở nên vô tổ chức, đôi khi tính tình sôi nổi, nhưng có khi lại xa lánh mọi người.
Cậu bé được chẩn đoán bị ADHD nhưng dựa vào tâm trạng của cậu và tiền sử gia đình cho thấy cậu bé bị rối loạn lưỡng cực. Tôi đã điều trị thành công bằng thuốc và giờ đây chất lượng cuộc sống của cậu đã được cải thiện rõ rệt.
Một số thanh thiếu niên hay cáu kỉnh, mất tập trung, mệt mỏi hoặc gặp khó khăn trong ghi nhớ và học tập đã được chẩn đoán là tăng động. Sau đó bác sĩ cho tiêm chất kích thích. Trong khi nguyên nhân thực sự gây ra vấn đề của họ là do sử dụng cần sa hoặc rượu quá nhiều.
Vậy chúng ta có thể làm gì để điều chỉnh căn bệnh bị chẩn đoán sai này, đồng thời ngăn chặn xu hướng dùng thuốc kích thích vô tội vạ?
Đầu tiên, chúng ta phải học cách không phản ứng thái quá. Trong nhiều trường hợp, uống thuốc thực sự không cần thiết. Chúng ta cần hiểu rằng hành vi của trẻ em có nhiều mức độ khác nhau: một đứa trẻ 6 tuổi không học được cách ngồi yên trong lớp không có nghĩa là chúng bị ADHD. Cho trẻ dùng chất kích thích là hoàn toàn sai trái và có hại.
Nhiều người cho rằng họ bị ADHD hoặc một vài tình trạng khác là do căng thẳng vì bị lạc lõng bởi thế giới với nhịp độ sống nhanh hơn. Nếu thế, hãy điều chỉnh lối sống của bạn bằng việc cải thiện chế độ ăn uống, tập thể dục và ngủ nhiều hơn. Điều đó có thể làm giảm nhiều triệu chứng như khó chịu, bị phân tâm hoặc hành vi bốc đồng.
Thứ hai, chúng ta cần phải suy nghĩ lại về nguyên nhân thực sự của các triệu chứng này. Chúng ta phải loại bỏ các chẩn đoán cũ về ADHD trong thập kỷ vừa qua. Đó là những quan điểm sai mà nhiều bác sĩ, công ty dược phẩm và thậm chí các bệnh nhân vẫn bám vào.
Trên thực tế nhiều ca bị chẩn đoán nhầm lẫn giữa chứng tăng động giảm chú ý với chứng đau tim, các bệnh về tim, từ đó gây hậu quả nghiệm trọng, thậm chí tử vong. Chúng ta cần ngăn chặn tình trạng này. Chỉ như thế mọi người mới được điều trị một cách hiệu quả với những tình trạng thực tế mà họ đang chịu đựng, hơn là phải thất vọng và bị bỏ rơi bởi "thần thoại về sự nguy hiểm của ADHD".
Quan niệm phổ biến về chứng tăng động giảm chú ý:
Các nhà khoa học trước giờ luôn cho rằng tăng động giảm chú ý là một bệnh thiểu năng của trẻ ở dạng tiềm ẩn. Nếu không điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến nhân cách và tâm lý. Di chứng của bệnh để lại sẽ là một nhân cách chống đối xã hội như trộm cắp, đánh nhau, đua xe, phạm pháp...
Dấu hiệu tăng động giảm chú ý:
Trẻ mắc chứng này thường khó tập trung chú ý trong một khoảng thời gian nào đó. Chúng dễ bị chia trí bởi những tác động bên ngoài. Đa phần đều có mức độ hoạt động cao hơn so với các em cùng độ tuổi nhưng lại có trí nhớ rất kém. Các bé này thường hoạt động không ngơi nghỉ, lúc nào cũng cựa quậy và rất khó ngồi yên được một lúc lâu. Tính bốc đồng thường đưa chúng đến những hành động sai lầm: nói dối, ăn cắp, đánh nhau...
Trẻ bị chứng này dễ có khuynh hướng hay gây gổ, sinh sự, nên thường xuyên bị hăm dọa ngay chính trong môi trường của chúng. Để phản ứng lại chúng có thể có hai thái độ: hoặc là tự rút lui chịu thua, hai tà tìm cách gây hấn.
Một nét khá nổi bật trong phần lớn những trẻ bị hội chứng tăng động là diễn đạt từ ngữ chậm. Các em này phát triển khả năng nói bình thường như những trẻ khác vào những năm đầu. Nhưng về sau, sự phát triển đó chậm lại, đặc biệt là trong cấu trúc câu và diễn đạt bằng lời nói.
|
Thi Trân (Theo The Health)
Sưu tầm: Bs. Châu Văn Hậu