Rối loạn trầm cảm nặng xuất hiện sớm thường có tiên lượng không tốt ở trẻ vị thành niên (VTN). Có 70% trẻ vị thành niên có giai đoạn trầm cảm nặng sẽ tái phát trong 5 năm tiếp theo, 15% tự sát trong vòng 15 năm tiếp theo của giai đoạn trầm cảm đầu tiên. Nguy cơ tự sát cao trong những trường hợp trầm cảm nặng và tỷ lệ thuận với thời gian mắc bệnh.
Khi giai đoạn trầm cảm ở mức độ nhẹ và trung bình thì việc sử dụng thuốc chống trầm cảm không phải là lựa chọn đầu tiên. áp dụng các liệu pháp tâm lý (liệu pháp tâm lý cá nhân, gia đình...) được xem như là lựa chọn điều trị đầu tiên, cũng như có ý nghĩa dự phòng tái phát và ngăn chặn bệnh tiến triển thành mạn tính (Basquin, Cohen 1998). Đối với trầm cảm mức độ nặng cần thiết nhập viện và sử dụng các thuốc chống trầm cảm.
Trước đây, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm ở trẻ vị thành niên còn hạn chế. Tuy nhiên từ hơn 10 năm nay quan niệm này đã thay đổi, người ta đã sử dụng các thuốc chống trầm cảm nhiều ở trẻ vị thành niên. Năm 1999 ở Mỹ có 79% trẻ em bị trầm cảm được áp dụng các liệu pháp tâm lý, và 57% được sử dụng các thuốc chống trầm cảm mà lựa chọn hàng đầu là thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonine (SSRI). Trong thực hành lâm sàng, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm được xác nhận là cần thiết, hiệu quả để giảm nhanh chóng các triệu chứng trầm cảm và cải thiện quan hệ xã hội của bệnh nhân trầm cảm. Tuy nhiên các nghiên cứu về sử dụng thuốc cũng như lĩnh vực tâm lý trong điều trị rối loạn trầm cảm ở trẻ vị thành niên còn hạn chế. Một số tác giả chưa đánh giá cao hiệu quả các thuốc chống trầm cảm.
1. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng nhiều trong điều trị trầm cảm ở trẻ VTN. Tuy nhiên hiệu quả điều trị bằng thuốc chống trầm cảm 3 vòng ở trẻ vị thành niên còn có những ý kiến khác nhau. Hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào liều điều trị, nồng độ thuốc đạt được trong huyết tương. Tuy vậy, có nhiều nghiên cứu gần đây không xác nhận giả thuyết này, hơn nữa các tác dụng phụ của nhóm thuốc này về tim mạch, tử vong đã được ghi nhận.
2. Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonine (SSRI)
Các SSRI đã được sử dụng điều trị trầm cảm ở trẻ VTN, bước đầu người ta nhận thấy những hiệu quả vượt trội của nó so với các nhóm thuốc chống trầm cảm khác, cũng như tính an toàn của nhóm thuốc này. Đặc biệt đã khắc phục được các nguy cơ về tim mạch và nguy cơ tử vong của thuốc chống trầm cảm 3 vòng nên các thuốc SSRI có xu hướng được sử dụng rộng rãi. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về việc áp dụng SSRI trong điều trị trầm cảm ở trẻ VTN, tuy nhiên vẫn còn các ý kiến khác nhau về tính hiệu quả và tác dụng của nó.
+ Một số nhận xét về sử dụng SSRI ở trẻ vị thành niên
- Các nghiên cứu chưa nhiều, cho các kết quả còn trái ngược nhau. Sự khác nhau này có thể do các nghiên cứu khác nhau về cỡ mẫu, thời gian đánh giá, các tiêu chuẩn chẩn đoán và tiêu chuẩn đánh giá đáp ứng điều trị khác nhau.
- Một số nghiên cứu có kết quả thu được ở trẻ VTN cũng gần giống như hiệu quả sử dụng thuốc chống trầm cảm ở người trên 18 tuổi.
- Các nghiên cứu đã nhấn mạnh tính hiệu quả của Fluoxetine trong điều trị trầm cảm ở trẻ vị thành niên.
+ Một số lưu ý khi sử dụng thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI ở trẻ vị thành niên
- Hiện tại, thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI được chấp nhận sử dụng ở trẻ VTN, tuy nhiên việc kê đơn điều trị cần lưu ý và phòng ngừa các tác dụng phụ.
- Khi điều trị thuốc chống trầm cảm cần giải thích cho bệnh nhân và gia đình về các tác dụng phụ có thể xẩy ra, có thể có nguy cơ tự sát.
- Khi điều trị cần có sự cam kết giữa bệnh nhân, gia đình bệnh nhân để tránh tình trạng dừng, bỏ thuốc đột ngột.
- Việc thực hành điều trị thuốc còn phụ thuộc vào tiền sử các đợt trầm cảm, đặc điểm trầm cảm, loại trầm cảm, tuổi, hoàn cảnh gia đình, các sự kiện cuộc sống, đáp ứng với thuốc, mong muốn của bệnh nhân và gia đình,...
- Nguy cơ tự sát vẫn gặp khi điều trị trầm cảm (Jick H, 2004). Do vậy cần phải đánh giá, theo dõi có hệ thống trước và trong quá trình điều trị về các yếu tố nguy cơ như: tiền sử tự sát, mức độ tuyệt vọng, sự hiện diện của các triệu chứng loạn thần, lạm dụng chất, hoàn cảnh gia đình không hoà thuận, thiếu quan tâm cũng như không có sự giám sát theo dõi sử dụng thuốc...
- Khi đã có chỉ định điều trị bằng thuốc thì vẫn cần phối hợp các liệu pháp tâm lý một cách thường xuyên. Nếu điều trị chưa đạt kết quả tốt cần thay đổi một liệu pháp tâm lý khác phù hợp hơn, hiệu quả hơn.
TS.Cao Vũ Hùng
Nguồn:http://thankinhtreem.net/article