Tìm kiếm
-
-

Bạn đánh giá webssite của bệnh viện như thế nào?
Biểu hiện lâm sàng trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên
Ngày cập nhật 30/03/2015

    Rối loạn trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên có những đặc điểm khác với ở người lớn, chúng ta cần quan tâm, phát hiện kịp thời rối loạn này ở trẻ để có biện pháp can thiệp nhằm nâng cao chất lượng sống cho trẻ, cải thiện thành tích học tập và định hướng cho trẻ phát triển lành mạnh. 

 

 

 

 

     Có thể nói rằng trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt cũng hay gặp ở trẻ vị thành niên bị khủng hoảng, từ mức độ nhẹ nhất cho đến mức độ nặng nề nhất. Trong thực tế lâm sàng trầm cảm hay gặp ở trẻ em và vị thành niên, cũng có quan điểm cho rằng đây là biểu hiện bình thường ở giai đoạn này, là biểu hiện thoảng qua hay tình trạng khủng hoảng ở thời kỳ dậy thì, chứ chưa phải hoàn toàn là bệnh lý.

     Các nhà tâm thần học thống nhất rằng trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên có thể biểu hiện ở nhiều hình thái khác nhau cần được nghiên cứu hệ thống.

 

(Ảnh minh họa)

 

Các biểu hiện lâm sàng trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên

     Với những đặc thù phát triển ở lứa tuổi vị thành niên, nên các biểu hiện trầm cảm ở lứa tuổi này cũng có những đặc điểm khác so với trầm cảm ở người lớn, đó là:

- Thường thể hiện bằng triệu chứng cơ thể mà đau là triệu chứng hay được kể đến. Thường là đau đầu, đau bụng, đau ngực, ngột ngạt kèm cảm giác lo buồn chán nản...Chính vì các biểu hiện triệu chứng cơ thể nổi bật nên đối với các thể trầm cảm cảm nhẹ, có nhiều tác giả gọi là trầm cảm che đậy bởi triệu chứng cơ thể, các thể này thường không được phát hiện chẩn đoán sớm và tất nhiên không được điều trị. Đa phần các trường hợp này được bố mẹ đưa đến các cơ sở nội nhi khám bệnh với các chẩn đoán và điều trị các bệnh lý cơ thể về tim mạch, tiêu hoá, thần kinh..., và được điều trị bằng các thuốc chuyên khoa đặc hiệu nhưng không thấy kết quả, hoặc không thấy có các bằng chứng tổn thương thực thể rõ ràng.

- Khí sắc trầm: Trẻ có cảm giác buồn chán nhẹ không rõ rệt, không giải thích được nguyên cớ, hay cáu kỉnh. Giảm hứng thú trong học tập, công việc được giao phó, và cả trong các sinh hoạt nhóm hay đoàn thể.

- Tư duy: Khó tập trung chú ý, khó tiếp thu trong học tập, kết quả học giảm sút, quá trình này có thể diễn ra từ từ hoặc nhanh chóng, đây cũng là lý do quan trọng mà các bậc cha mẹ đưa trẻ đến các cơ sở khám bệnh hoặc tư vấn tâm lý. Một số khác lại cảm thấy hưng phấn, thấy khả năng của mình vượt trội, trẻ chăm chỉ học tập, kết quả ban đầu tốt nhưng sau đó kết quả lại giảm sút một cách rõ rệt.

- Các hoạt động xã hội: Trẻ thu mình cô lập không muốn giao tiếp hay tham gia các hoạt động đoàn thể, phàn nàn không có bạn thân hoặc khó chia sẻ với bạn. Trẻ thờ ơ, ít quan tâm đến các hoạt động diễn ra xung quanh, với những người xung quanh, có thể ngay cả với những người thân thiết nhất. Các biểu hiện thay đổi ở các mức độ khác nhau, từ kém nhiệt tình đến tình trạng thờ ơ. Một số khác lại gia nhập nhóm bạn để chia sẻ, đồng cảm. Một số lao vào học tập nhưng một số lại từ chối làm mọi việc.

- Rối loạn ăn: Thường nổi bật là cảm giác chán ăn, không có hứng thú trong ăn uống, mất cảm giác ngon miệng, hậu quả là trẻ bị giảm cân. Tuy nhiên có thể ăn nhiều hơn bình thường hay ăn vô độ dẫn đến tăng cân. Tăng hay giảm cân là triệu chứng cần lưu ý ở vị thành niên, bởi đây là giai đoạn trẻ phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng về thể chất, nên triệu chứng giảm cân không rõ ràng mà có khi biểu hiện tình trạng chậm hay ngừng tăng cân so với lứa tuổi.

- Rối loạn giấc ngủ, trẻ ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ngủ ít, trong rất nhiều trường hợp trẻ thường xuyên có ác mộng. Có thể biểu hiện tình trạng trẻ nằm nhiều nhưng lại mất ngủ, trẻ thường phàn nàn khó vào giấc ngủ hay chất lượng giấc ngủ giảm sút, hay bị thức giấc lúc nửa đêm, dậy sớm...

- Đi kèm với các triệu chứng về cảm xúc, cơ thể là các biểu hiện rối loạn hành vi, như quậy phá, hành vi chống đối xã hội, chống đối bố mẹ, trốn học, trộm cắp, lập băng đảng hay nhóm bạn xấu và sử dụng các chất gây nghiện. Rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên ngày càng có xu hướng tăng cao, thu hút sự chú ý của cộng đồng xã hội, trong số này tỷ lệ có rối loạn trầm cảm cao.

- Tự sát cũng là một triệu chứng rất quan trọng và nghiêm trọng trong bệnh trầm cảm tuổi vị thành niên, ở các mức độ khác nhau từ ý tưởng đến có hành vi tự sát. Trẻ thực hiện hành vi tự sát bằng các hình thức khác nhau như uống thuốc, đập đầu vào tường, thắt cổ, cắt mạch máu,... và thường xẩy ra ở bệnh nhân có mức độ trầm cảm nặng.

     Tóm lại, rối loạn trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên có những đặc điểm khác với ở người lớn, chúng ta cần quan tâm, phát hiện kịp thời rối loạn này ở trẻ để có biện pháp can thiệp nhằm nâng cao chất lượng sống cho trẻ, cải thiện thành tích học tập và định hướng cho trẻ phát triển lành mạnh.

TS. Cao Vũ Hùng

Nguồn:http://www.nhp.org.vn/Show.aspx

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 1.711.018
Truy câp hiện tại 221